Ngày 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 tại xã Long Đức, huyện Long Phú.
Thủ tướng tới thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW, được khởi công xây dựng tháng 9/2015. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Nhưng thực tế đến nay không xác định được tiến độ cụ thể do tổng thầu nước ngoài gặp các khó khăn do chịu tác động từ tình hình thế giới. Do đó, hiện tại, các hoạt động trên công trường chỉ là công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư thiết bị đã được vận chuyển về và đã lắp đặt vào vị trí.
Thủ tướng nghe báo cáo về tiến độ Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và động viên đội ngũ cán bộ, công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường trong khắc phục các khó khăn, vướng mắc, tìm ra hướng xử lý với dự án trong thời gian tới.
Thủ tướng thăm hỏi và động viên người lao động đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi khảo sát thực tế khu quy hoạch cảng Trần Đề tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 “hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định vị trí quy hoạch cảng của ngõ vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề do khu vực này nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi đến trung tâm Vùng và các cảng biển, trung tâm logistics trong Vùng đã và đang được đầu tư xây dựng.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Sóc Trăng gồm các khu bến Đại Ngãi, Kế Sách và Trần Đề; trong đó, khu bến Trần Đề có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và năng lực của nhà đầu tư. Khu bến Trần Đề có tiềm năng phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Dự án cảng biển Trần Đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng toàn vùng ĐBSCL; có tính chất hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.
Tại đây, Thủ tướng đã nghe báo cáo về kết nối giao thông khu vực ĐBSCL đến cảng biển Sóc Trăng, quy hoạch chi tiết bến cảng Trần Đề-cảng biển Sóc Trăng…
Hiện, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển chung toàn quốc; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hải Anh
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM Tin tức