Nguồn: https://khcncongthuong.vn/
Triển khai Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, ngày 09/3/2021, Bộ Công Thương ra Quyết định số 828/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đối với ngành Công Thương.
Theo đó, Kế hoạch được xây dựng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Tăng cường năng lực cho các đơn vị trong ngành Công Thương trong việc sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ các sản phẩm sở hữu trí tuệ.
Các Cục, Vụ được giao nhiệm vụ triển khai Kế hoạch này bao gồm:
Vụ Khoa học và Công nghệ
Giai đoạn 2021-2022, phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất cơ chế đánh giá khuyến khích các nội dung về sở hữu trí tuệ trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Bộ Công Thương;
Giai đoạn 2021-2025, cùng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp chế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ áp dụng bộ chỉ số đo lường về sở hữu trí tuệ (các công bố, bài báo, bản quyền) làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong Bộ Công Thương;
Giai đoạn 2021-2030, phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương, Vụ Tổ chức cán bộ Xây dựng Đề án Tổ chức các cuộc thi sáng kiến, sáng tạo trong ngành Công Thương. Đề xuất lấy ngày Sáng kiến Công Thương để trao giải cho những cá nhân, tập thể xuất sắc;
Bên cạnh đó, cùng Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong Bộ Công Thương tổ chức và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia về sở hữu trí tuệ; Tham gia các Hội thảo, hội nghị về sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế.
Tổng cục Quản lý thị trường
Giai đoạn 2021-2022, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Pháp chế xây dựng, trình ban hành “Đề án nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính”;
Trước ngày 15/01 hàng năm (giai đoạn 2021-2023), phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường trong nước xây dựng các báo cáo định kỳ về công tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Công Thương;
Giai đoạn 2021-2023, cùng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước phối hợp tham gia các cuộc thanh tra, kiểm tra các mặt hàng bị xâm phạm, có nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Giai đoạn 2021-2030, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn, đào tạo phổ biến kiến thức về chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho lực lượng quản lý thị trường.
Cục Xúc tiến Thương mại
Giai đoạn 2021-2030, phối hợp với Tổng cục Quản lý Thị trường và Vụ Thị trường trong nước rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới theo thẩm quyền chính sách pháp luật về chỉ dẫn địa lý liên quan đến ngành Công Thương;
Cùng với Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Công Thương địa phương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp chuyên gia về các lĩnh vực liên quan tham gia Hội đồng tư vấn chỉ dẫn địa lý;
Phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc các sản phẩm đã được bảo hộ trong các hiệp định thương mại tự do.
Vụ Thị trường trong nước
Giai đoạn 2021-2030, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, các đối tượng quản lý và kinh doanh trong các hệ thống phân phối tại thị trường trong nước.
Cục Công Thương địa phương
Giai đoạn 2021-2030, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp/ cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực trong việc khai thác, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Giai đoạn 2021-2030, phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử
Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương và Cục Công nghiệp
Xây dựng và trình ban hành “Đề án phát triển một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao” trong giai đoạn 2021-2023.
Vụ Chính sách Thương mại đa biên
Hàng năm rà soát các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia hoặc cam kết.
Quyết định 828/QĐ-BCT cũng nêu rõ, định kỳ 6 tháng (hoặc khi có yêu cầu), các đơn vị báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công thực hiện gửi về Vụ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong quá trình thực hiện, nếu có các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Lãnh đạo Bộ để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
Kinh phí cho thực hiện Kế hoạch do Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ lập đề án kinh phí chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ được giao, tổng hợp kinh phí vào dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ.
Mặt khác, huy động thêm các nguồn vốn tài trợ từ các nước, các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch.
Được biết, cuối tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức 01 khóa tập huấn về Sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực Công Thương cho Cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước với các nội dung quan trọng liên quan đến Sở hữu trí tuệ, qua đó trang bị kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ và các kỹ năng cần thiết để tiến hành đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ…
Dự kiến, các hoạt động về sở hữu trí tuệ sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.