Một cô gái 24 tuổi ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đã tử vong sau khi tiêm mũi hai vaccine ngừa COVID-19, sự cố gây tử vong thứ 5 sau khi tiêm vaccine Pfizer trong vòng hai tháng qua, báo chí trong nước đưa tin.
Nạn nhân là người dân tộc Dao, được ghi nhận các phản ứng như mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đau bụng và buồn nôn chỉ khoảng 30 phút sau khi được chích ngừa ở Phòng khám đa khoa khu vực bản Khoang hôm 30/12, thị xã Sa Pa, tờ Tuổi Trẻ cho biết.
Đáng chú ý là khi chích mũi đầu tiên hồi cuối tháng 11 năm ngoái, nạn nhân này ‘không có phản ứng sau tiêm’, cũng theo tờ báo này.
Theo lời Sở Y tế Lào Cai được trang mạng VnExpress dẫn lại thì cô gái này đã được xác định không thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vaccine và ‘đã được tư vấn về tác dụng và các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm’.
Cô đã được ‘cán bộ y tế xử trí tại chỗ theo phác đồ của Bộ Y tế’ và sau đó ‘được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa’ nhưng đã không qua khỏi.
Tuy nhiên, năm người khác cùng được tiêm cùng lọ vaccine Pfizer với cô đến giờ vẫn không sao, cũng theo thông tin từ Sở Y tế Lào Cai được VnExpress dẫn lại.
Sau khi xảy ra sự cố, cơ quan y tế Lào Cai đã tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân và kết luận là ‘do phản ứng phản vệ độ 4 sau tiêm vaccine Covid-19 do đặc tính cố hữu của vaccine’, chứ không liên quan đến nguồn gốc, lô vaccine cũng như quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine và thực hiện tiêm chủng, theo Tuổi Trẻ.
Tờ báo này cho biết trong cùng lô vaccine Pfizer cô gái xấu số này được tiêm, có 573 người khác tại Phòng khám đa khoa khu vực bản Khoang và gần 30.000 khác trên toàn tỉnh cũng được tiêm tính đến hết ngày 30/12 năm 2021, và ‘không có trường hợp nào có biểu hiện và diễn biến nặng như nạn nhân’.
Vaccine của hãng dược Pfizer của Mỹ là vaccine ngừa COVID-19 chủ đạo hiện đang được lưu hành ở Việt Nam và là vaccine được dùng để tiêm cho toàn bộ trẻ em dưới 18 cho đến 12 tuổi.
Cho đến nạn nhân 24 tuổi ở Lào Cai, Việt Nam đã ghi nhận có 4 ca tử vong vì vaccine Pfizer kể từ khi nước này triển khai chích ngừa COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc, trong đó có một em trai 12 tuổi ở tỉnh, Bình Phước, một nữ sinh 15 tuổi ở Hà Nội, một nam sinh 16 tuổi ở Bắc Giang và một nữ sinh khác cũng 16 tuổi ở Sơn La. Nguyên nhân tử vong trong các trường hợp này được cơ quan chức năng xác định là ‘do cơ thể phản ứng quá mức với vaccine’.
Các sự cố vaccine trên trẻ ở Việt Nam đã gây ra tâm trạng hoài nghi vaccine ở các bậc phụ huynh. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của VOA, một số phụ huynh có con em chưa đến tuổi chích ngừa COVID ở thành phố Hồ Chí Minh nói họ ‘chẳng thà để con ở nhà một năm chờ năm sau học lại chứ không để con đi chích ngừa như là điều kiện để đến trường trở lại’. Có phụ huynh còn cho rằng ‘chẳng thà để con nhiễm COVID rồi tự khỏi còn hơn là chịu rủi ro chích ngừa’.
Theo số liệu của Trung tâm Ngăn ngừa và phòng chống Dịch bệnh của Mỹ, tức CDC, đến nay nước này chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào sau khi chích vaccine Pfizer và trong 1 triệu liều vaccine chỉ có 11 ca sốc phản vệ.
Ngoài vaccine Pfizer, Việt Nam cũng ghi nhận các ca tử vong sau khi tiêm vaccine Vero Cell của hãng dược Trung Quốc Sinovac và vaccine của hãng dược Anh-Thụy Điển AstraZeneca. Sự cố vaccine Vero Cell hồi cuối tháng 11 đã khiến bốn công nhân một hãng giày ở tỉnh Thanh Hóa tử vong. Đầu tháng 5 năm ngoái, một nữ nhân viên y tế 35 tuổi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, cũng đã tử vong một ngày sau khi chích ngừa vaccine AstraZeneca.
——————————————–
Nguồn: VOA