Hãng xe Vinfast của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi xâm nhập thị trường Mỹ vào lúc này, một nhà quan sát kinh tế từ Mỹ nhận định, nhưng lợi thế cạnh tranh có thể nhanh chóng mất đi nếu Vinfast không tranh thủ kịp thời.
Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất Việt Nam hiện nay – đã có màn ra mắt hai mẫu xe điện SUV tại Triển lãm Xe hơi Los Angeles vào cuối tháng 11 vừa qua.
Bên cạnh đó, Vinfast cũng đang xây dựng trụ sở của hãng ở Mỹ đặt tại Los Angeles và dự tính sẽ nhận những đơn hàng đầu tiên trong nửa đầu năm 2022 và sẽ giao xe trong quý bốn, thông cáo của hãng gửi đến cho báo chí cho biết.
‘Cơ hội vàng son’
Từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, người giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management và có hơn 20 năm kinh nghiệm làm giám đốc tài chính cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, nhận định Vinfast đang có ‘cửa sổ cơ hội vàng’ khi thâm nhập thị trường Mỹ.
Thứ nhất, lúc này là ‘thời điểm gần như lý tưởng’ với khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu làm giá xăng dầu gia tăng khiến xe điện trở nên có giá, ông Lộc phân tích. Bên cạnh đó, khủng hoảng thị trường chip đang khiến xe hơi khan hiếm và đắt đỏ ở Mỹ.
“Chính sách của chính phủ Joe Biden cũng ưu tiên bảo vệ môi trường [trong đó có khuyến khích và tài trợ cho sử dụng xe điện],” ông Lộc nói thêm.
Tuy nhiên, những yếu tố thời điểm này, theo lời vị giáo sư này, là ‘điều may mắn’ đối với Vinfast vì không lường trước được.
Thứ hai, bang California mà Vinfast chọn để ‘khởi nghiệp’ ở Mỹ cũng là ‘lựa chọn đúng đắn’, cũng theo ông Lộc, vì đây là bang có chính sách thân thiện với xe điện, có thị trường lớn và nhất là ‘có nhiều trạm sạc điện nhất trên toàn nước Mỹ’.
“Vinfast đã lợi dụng thời điểm chính quyền Biden tung ra gói xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có dành một khoản tiền để xây dựng các trạm sạc điện mà California và New York là hai tiểu bang được hưởng lợi nhiều nhất,” ông phân tích. Nhờ vậy mà Vinfast không cần bỏ thêm tiền đầu tư vào hệ thống các trạm sạc như Tesla.
Ông Lộc cũng cho rằng việc Vinfast chọn mẫu SUV để ra mắt là ‘đã đánh trúng vào thị hiếu thị trường Mỹ’ và ‘tranh thủ được chỗ trống trên thị trường’.
“Đi vào thị trường Mỹ với mẫu xe SUV là chiến lược rất thông minh,” ông nói.
Theo giải thích của ông thì ‘người Mỹ rất ưa chuộng dòng xe SUV và ngày càng có nhiều người Mỹ chuyển từ mẫu xe sedan sang SUV’. “Hiện tại ở Mỹ ước tính mỗi năm bán được 4 triệu chiếc SUV, cao hơn lúc khác,” ông cho biết.
Tuy nhiên, lợi thế lỗ hổng thị trường (niche market) mà Vinfast có được để xâm chiếm thị trường khi chưa có hãng xe điện nào tung ra mẫu SUV ở Mỹ ‘chỉ là tạm thời’ và Vinfast phải ‘tận dụng thật nhanh’ vì ‘sớm muộn gì các hãng khác cũng tung ra mẫu SUV’, cũng theo lời ông Lộc.
“Nếu hãng khác cũng tung ra SUV thì khó biết liệu Vinfast có cạnh tranh nổi hay không,” ông nói.
‘Lợi thế cạnh tranh’
Tương tự, vị giáo sư này nhận định rằng tầm xa (range) mà mẫu xe Vinfast có thể chạy được trong một lần sạc ‘chắc chắn cũng là lợi thế cạnh tranh lớn của Vinfast nhưng không lâu dài’.
Hai mẫu xe VF e35 cỡ trung và VF e36 cỡ lớn của Vinfast có tầm chạy tương ứng lên đến 310 và 422 dặm cho một lần sạc đầy, so với phạm vi từ 262 cho đến 405 dặm của hãng Tesla – hãng xe điện đang thống lĩnh thị trường Mỹ – tùy mẫu xe.
“Tesla với khả năng tài chính của họ thì những gì Vinfast làm họ cũng sẽ làm thôi,” ông nói.
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra hãng xe Việt Nam tung ra chiêu là ‘cho thuê bình điện, nhờ đó khách hàng có thể đổi bình dễ dàng’ là chiêu ‘rất cạnh tranh’ vì bình điện là thành phần quan trọng và đắt đỏ của xe điện mà cho đến nay chưa hãng nào ở Mỹ cho thuê hay cho đổi.
Về giá bán, Vinfast chưa hề tiết lộ giá bán trên thị trường Mỹ. Giám đốc điều hành Vinfast, ông Michael Lohscheller, nói rằng ‘vẫn có quá sớm để nói về giá bán’ và Vinfast ‘muốn đem đến chất lượng đẳng cấp thế giới, giá cả hợp lý và dịch vụ tốt’.
Giáo sư Khương Hữu Lộc nhận định rằng đây là ‘chiêu của Vinfast’ để ‘khách hàng tập trung vào công dụng, tính năng và chất lượng của xe để không bị xao lãng vì giá’.
“Họ muốn người ta thích xe của họ trước rồi mới nói giá sau,” ông giải thích.
Mẫu xe VF e34 nhỏ hơn bán ở thị trường Việt Nam có giá 690 triệu đồng, tức khoảng 30.500 đô la Mỹ, trong khi giá khởi điểm của một chiếc Tesla hiện vào khoảng 47.000 đô la.
“Nếu Vinfast ra giá cao hơn vừa phải [so với Tesla] thì có thể cạnh tranh được, chứ nếu giá cao quá thì không thể,” ông Lộc cảnh báo. “Ở Mỹ Tesla đồng nghĩa với xe điện. Không ai bỏ ra một số tiền lớn mua một loại xe cạnh tranh với Tesla.”
Ông cho rằng một chiến thuật mà Vinfast có thể áp dụng là ‘sẵn sàng hạ giá xe để thăm dò thị trường rồi từ từ gia tăng sau’.
Thách thức
Ông Lộc cũng chỉ ra thách thức lớn nhất đối với Vinfast là ‘nhận diện thương hiệu’ vì Vinfast là một hãng xe mới toanh đến từ một đến nước không có danh tiếng gì về công nghệ trên trường quốc tế như Việt Nam.
“Nếu giá xe từ 50 ngàn đô la trở lên thì thương hiệu rất quan trọng, còn dưới 50 ngàn thì không sao, miễn sao xe bền, rẻ, bảo đảm,” ông phân tích.
“Trong khi đó chiến lược của Vinfast là đánh vào phân khúc cao cấp. Giá cao mà thương hiệu mờ nhạt sẽ là thách thức của Vinfast,” ông nói thêm.
Do đó, ông cho rằng thay vì nhấn mạnh mình là một hãng xe mới toanh, Vinfast nên tập trung quảng bá những thành tích công nghệ của họ trong quá khứ như sản xuất máy thở, đã bán được bao nhiêu mẫu xe điện ở Việt Nam… và nói rõ các công nghệ của họ như thế nào, lấy từ đâu, hệ thống lắp ráp tự động… để thuyết phục người tiêu dùng Mỹ.
“Nếu không người ta sẽ nghĩ là xứ Việt Nam chế xe thì ai tin tưởng được?” ông phân tích. “Thị trường Mỹ có thể dễ dàng làm quen với mẫu xe mới nhưng cũng rất kỹ tính [picky].”
Ngoài ra, hệ thống đại lý hậu mãi, sửa chữa, phụ tùng thay thế cũng sẽ là một thách thức lớn cho một hãng xe mới như Vinfast. Tuy nhiên, ông Lộc chỉ ra việc Vinfast ‘sẵn sàng mở 50 đại lý trên khắp California ’ và nói rằng nếu họ làm được thì mọi việc ‘sẽ đơn giản hơn’.
“Vinfast có tiềm lực tài chính mạnh và ông Vượng cũng đã nói là ông sẵn sàng chịu lỗ 2 tỷ đô la để xâm nhập thị trường Mỹ,” ông Lộc lưu ý.
Tuy nhiên, với hầu hết công nghệ của Vinfast phải đều mua lại của nước ngoài, như động cơ của Đức, thiết kế của Ý…, ông Lộc cảnh báo điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất cũng như giá thành của xe Vinfast. “Đây là rủi ro lớn về giá đối với Vinfast,” ông nhận định.
Bên cạnh đó, Vinfast còn phải đối mặt với việc bị các cơ quan chức năng Mỹ kiểm định chất lượng rất khắt khe khi được lái trên các cung đường Mỹ, ông Lộc nói thêm.
Bài học Trung Quốc
Giáo sư Khương Hữu Lộc cho rằng khi quyết định đánh vào phân khúc cao cấp với dòng SUV, Vinfast đã học được bài học từ các hãng xe điện Trung Quốc đi trước và thất bại ở thị trường Mỹ .
“Trung Quốc thất bại là vì họ đưa vào Mỹ những xe điện với công nghệ và thiết kế của họ và lại đánh vào phân khúc giá rẻ nên không cạnh tranh lại với Ford hay Hyundai,” ông nói.
“Vinfast thấy được thị trường SUV ở Mỹ mà SUV theo định nghĩa là người có tiền mới xài,” ông giải thích.
“Do đó, Vinfast cần tập trung giới thiệu kỹ về công nghệ,” ông khuyên.
Lợi thế lớn nhất mà Vinfast có thể tận dụng, theo lời ông Lộc, là sự khan hiếm xe trên thị trường. “Họ có thể giao xe kịp thời hay không sẽ là điểm cốt yếu để họ đánh trúng vào thị trường Mỹ,” ông lập luận.
Tuy nhiên, ông dự đoán với tình hình khan hiếm chip như hiện nay thì Vinfast ‘sẽ gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2022’.
Trước tình hình đó, ông Lộc khuyến nghị Vinfast nên làm sao ‘tăng cường sự tiếp cận của người dùng’ [consumer exposure] bằng cách thay vì bán xe cho khách hàng cá nhân thì nên ‘giao xe cho các hãng thuê xe để nhiều người ở Mỹ được tiếp cận xe Vinfast hơn’.
“Nếu họ ra đủ xe để có đủ bán cho người mua cá nhân có thể sẽ không kịp, như thế thì sẽ không có sự quảng cáo truyền miệng,” ông giải thích. “Nếu bán thì một chiếc chỉ có một người chạy, còn cho thuê thì trong một tuần có thể có đến 5 người xài.”
Giáo sư Lộc cũng chỉ ra việc Tesla trong giai đoạn đầu có chính sách là ‘bán giá đặc biệt và yêu cầu khách hàng ký cam kết là nếu xe có vấn đề gì thì họ phải đến gặp Tesla để được giải quyết, đền bù chứ không nói với báo chí’. “Nhờ vậy mà xe Tesla ra mắt không gặp vấn đề gì hết,” ông cho biết.
“Trong khi ở Việt Nam tôi có biết là có người than phiền chất lượng xe thì Vinfast dọa báo công an đến bắt,” ông nói thêm. “Cách làm như vậy chắc chắn sẽ thất bại ở Mỹ.”
Còn việc Vinfast đánh vào người Việt ở Mỹ là cánh cửa để bước vào thị trường Mỹ, Giáo sư Lộc cho là ‘con dao hai lưỡi’.
“Đa số người Mỹ gốc Việt có đầu óc chống Cộng sẽ chống đối xe Vinfast đến cùng,” ông nói.
“Mua một chiếc Vinfast cũng không giúp tăng thể diện cho họ mà đối với người Việt việc nở mặt nở mày là rất quan trọng,” ông nhận định.
——————————————–
Nguồn: VOA