Báo cáo phân tích triển vọng thị trường bất động sản, các phân khúc có cơ hội tăng trưởng cũng như nêu một số gợi ý cho doanh nghiệp trong ngành của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện và công bố, cho thấy bức tranh vẫn còn nhiều thách thức nhưng không phải đã hoàn toàn mất đi cơ hội nếu doanh nghiệp sẵn sàng thay đổi để thích ứng với thời kỳ hậu dịch.
Theo Vietnam Report, sau khi xuống đáy vào khoảng chục năm trước, hoạt động kinh doanh bất động sản của Việt Nam đã dần lấy lại sự ổn định, có 7 năm liên tiếp khởi sắc kể từ năm 2013 và đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào năm 2019.
Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong hai năm qua, ngành bất động sản đã chịu tác động tiêu cực, nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Tăng trưởng hoạt động kinh doanh bất động sản bị âm, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngừng hoạt động có thời hạn trong năm 2021 lên đến 26%…
Nhưng, những khó khăn, tiêu cực mà dịch bệnh tạo ra cũng cho thấy khả năng thích ứng tốt và thể hiện sức sáng tạo, chống chịu bền bỉ của nhiều doanh nhiệp bất động sản khi tiếp tục giữ vững vai trò trụ cột trên thị trường, tạo ra những điểm sáng nổi bật và sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đạt mức tăng trưởng phần trăm doanh thu từ hai đến ba con số.
Triển vọng 2022 và các năm tới
Các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng ngành bất động sản có sự phát triển cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh. Thêm vào đó, thị trường bất động sản thế giới được dự báo có sự phục hồi nhanh cũng góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022 với gam màu tươi sáng, tích cực hơn so với năm 2021, và sẽ dần quay trở lại quỹ đạo trước dịch (năm 2019).
Theo Reportlinker, thị trường bất động sản toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3386,11 tỷ USD vào năm 2021 lên 3741,06 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,5%. Thị trường dự kiến sẽ đạt 5388,87 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR là 9,6%.
Sự tăng trưởng của ngành bất động sản trong thời gian tới chủ yếu là do các công ty tái cấu trúc lại hoạt động của họ và phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch, cùng với đó là sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, lãi suất vẫn ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, dòng kiều hối vẫn tiếp tục vận hành về một cách ổn định (trừ nguồn từ Nga và Ukraine và nhiều nút thắt chính sách được gỡ bỏ.
Trong ngắn hạn, gói kích thích kinh tế của Chính phủ dù được rót vào khu vực nào cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực đến thị trường bất động sản, nhờ việc cải thiện sức mua của người dân nói chung thậm chí là bật tăng sau thời gian dài bị kìm nén, cũng như cải thiện kỳ vọng thu nhập trong tương lai của họ giúp cho thị trường bất động sản bán lẻ, khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi đáng kể, theo Vietnam Report.
“Gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai trong đó có gần 114.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản không chỉ trong ngắn hạn mà còn là động lực tăng trưởng chính của thị trường trong các năm tới”, Vietnam Report dự báo.
Động lực tăng trưởng cho ngành bất động sản nói chung, không chỉ riêng giai đoạn hậu Covid, còn chịu tác động bởi xu hướng đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cả về số lượng lẫn giá trị tài sản, lượng xe hơi cá nhân đang tăng nhanh cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu về một số phân khúc căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền.
Theo số liệu báo cáo Thịnh vượng mới nhất của Knight Frank, dự báo trong 5 năm tới, mức tăng trưởng số người siêu giàu ở Việt Nam là 26%, ngang với Hong Kong và Đài Loan. Đây là cơ sở để nhiều chủ đầu tư tiếp tục theo đuổi phân khúc cao cấp, hạng sang trong thời gian tới.
Bên cạnh những lực đẩy hỗ trợ, ngành bất động sản trong năm 2022 cũng gặp nhiều thách thức, chướng ngại khi việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ phục hồi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh áp lực lạm phát, số ca mắc Covid-19 mới vẫn gia tăng cùng với những bất ổn chung về địa chính trị, nguồn cung trên thị trường chưa có nhiều cải thiện do những vướng mắc về mặt pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế không nhiều vì quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và hai quốc gia này chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng sẽ có những ảnh hưởng gián tiếp khi giá xăng dầu tăng mạnh, các lệnh cấm vận được ban hành với Nga sẽ gây ra sự khan hiếm hàng hoá, tạo thêm áp lực với lạm phát, dẫn đến giá các loại nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, vận chuyển… là yếu tố đầu vào của thị trường bất động sản tăng theo và giá thuê hay giá mua bất động sản cũng điều chỉnh và chịu áp lực tăng giá.
Trong năm 2021, giá thành nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép và xi măng tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng khoảng 10-15% so với năm 2020. Thêm vào đó, rào cản từ yếu tố pháp lý, sự mất cân đối cung – cầu và kết quả của một số cuộc đấu giá đất đã khiến mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên cao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng quan ngại nếu lạm phát vượt mức mục tiêu, lãi suất cho vay tăng lên có thể gây tác động ngược, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng trầm lắng nhưng mức giá sẽ không giảm mạnh như giai đoạn 2011-2013 do sự điều tiết nhịp nhàng, ổn định hơn của Chính phủ, doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro khi tỷ trọng vốn vay cho đầu tư bất động sản là khá lớn.
Kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report về mức biến động giá trung bình trong năm 2022 cho thấy đất nền là phân khúc có khả năng tăng giá cao nhất; phân khúc đất nền, đất nông nghiệp, nhà ở và chung cư giá rẻ có khả năng cao tăng giá trong khoảng 11-20%. Các phân khúc bất động sản ven đô, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư trung cấp, văn phòng cho thuê có thể tăng trung bình từ 5-10% so với năm trước.
Trước tình trạng sốt đất trong năm 2021, các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report nhận định trong năm 2022, tình trạng sốt đất vẫn có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhưng với xác suất thấp hơn.
Nguyên do là hiện tại các thông tin về quy hoạch, hạ tầng vẫn mang nặng tính đồn đoán và việc thổi giá bất động sản bằng các chiêu thức thiếu lành mạnh vẫn chưa có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, sốt đất không chỉ do những nguyên nhân nói trên, nó có thể là kết quả của những chính sách vĩ mô, quy hoạch tổng thể chính thức từ chính quyền…
Triển vọng với một số phân khúc
Kết quả khảo sát với chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản về triển vọng thị trường cho thấy một xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó là sự phục hồi của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.
“Về tổng thể, thị trường bất động sản tích cực so với năm 2021 nhưng không nhiều”, Vietnam Report nêu dự báo.
Bất động sản nhà ở: Sự hồi phục và tăng trưởng của phân khúc bất động sản được thúc đẩy từ cả hai yếu tố cung và cầu, cộng hưởng với mặt bằng lãi suất thấp, pháp lý được nới lỏng và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Chính phủ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một trong những mục tiêu của chiến lược là phát triển các sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của người có thu nhập thấp và trung bình.
Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố những dự án mới, hứa hẹn những tín hiệu tích cực cho nguồn cung trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia lượng cung này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân.
Bất động sản công nghiệp: Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi từ vị trí địa lý, quỹ đất cho khu công nghiệp lớn, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam do tác động của các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, môi trường kinh tế – chính trị ổn định và lợi thế cạnh tranh khi giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Những yếu tố trên tạo lực đẩy phát triển và sức hấp dẫn đầu tư với phân khúc bất động sản công nghiệp. Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã trở nên nhộn nhịp với những dự án đầu tư mới và mở rộng có giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Bất động sản thương mại văn phòng và bán lẻ: Sau khi chịu những tác động nặng nề của đại dịch hai năm qua, bước sang năm 2022, phân khúc bất động sản thương mại có nhiều triển vọng tích cực trong bối cảnh mở cửa ‘sống chung với dịch’.
Thị trường văn phòng sẽ được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng cho thuê của khu vực Công nghệ Thông tin, thương mại điện tử và nhu cầu trung tâm dữ liệu tăng cao.
Thị trường bán lẻ cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi ngành du lịch được mở cửa trở lại, cùng với sự gia tăng trong tiêu dùng và sử dụng vốn.
Top 6 giải pháp của doanh nghiệp
Xét về khía cạnh nội lực doanh nghiệp, sự phục hồi và tăng trưởng của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc rút ra những bài học kinh nghiệm gì từ cuộc khủng hoảng do tác động bởi dịch bệnh và những hành động để tăng cường khả năng phục hồi. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thực hiện rà soát các quy trình hiện có, tái cấu trúc công ty có thể để chuẩn bị tốt hơn trong sự bình thường mới và hạn chế tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 giải pháp của doanh nghiệp bất động sản trong thời kỳ bình thường mới, bao gồm: (i) Đẩy mạnh đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ; (ii) Thực hiện M&A, đầu tư mua lại các dự án bất động sản tiềm năng; (iii) Tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; (iv) Thực hiện chiến lược phát triển bền vững; (v) Tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự thích ứng với thời đại công nghệ số; (vi) Phát triển các dòng sản phẩm, dịch vụ mới.
Trong các giải pháp đó, công nghệ được xem là chìa khóa của sự hồi phục, tăng trưởng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp bất động sản, công nghệ không chỉ áp dụng vào các công đoạn, quy trình phát triển sản phẩm, quản lý, vận hành mà còn qua các hoạt động giới thiệu và phân phối sản phẩm. Khi công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng, chi phối mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh bất động sản, chất lượng nguồn nhân sự cũng phải nâng cao để thích ứng với việc chuyển đổi số.
Để tồn tại trong mùa dịch, nhiều môi giới bất động sản đã học hỏi, tận dụng các nền tảng công nghệ như Zalo, Livestream, Youtube… để tiếp cận, tư vấn, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng và cho kết quả khá tích cực, nhiều người đã bán được hàng trên các nền tảng này.
Đánh giá về kỹ năng đội ngũ nhân sự trong thời đại số theo tiêu chí xuất sắc, khá, trung bình và kém, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bất động sản trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng ba kỹ năng mà đội ngũ nhân sự chỉ đạt ở mức trung bình đó là kỹ năng livestreams giới thiệu nhà mẫu, kỹ năng quản trị dữ liệu khách hàng, marketing online. Trong khi đó, các kỹ năng như chăm sóc khách hàng, chốt sale, tư vấn trực tiếp được đánh giá phổ biến ở mức xuất sắc và khá.
Với các sản phẩm có giá trị cao, mang tính đặc thù như bất động sản, việc chuẩn hóa nhân sự về mặt kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức cũng như đạo đức là điều vô cùng cần thiết. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nếu làm được điều này, những nhiễu loạn không đáng có trên thị trường bất động sản sẽ không còn nữa, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi ra quyết định, và qua đó giúp thị trường lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Do vậy, việc tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự thích ứng với thời đại công nghệ số là một giải pháp được các doanh nghiệp bất động sản chú trọng trong năm 2022.
Thực hiện M&A (mua bán và sáp nhập), tăng cường hợp tác, đầu tư mua lại các dự án bất động sản tiềm năng: Đây là chiến lược được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, điều này giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường bất động sản. Bất chấp những tác động của đại dịch, năm 2021, ngành bất động sản đã có hàng hoạt vụ thâu tóm dự án, quỹ đất và là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A nhất, với sự trỗi dậy của doanh nghiệp trong nước.
M&A sẽ vẫn tiếp tục là xu hướng phát triển trong năm 2022, tập trung vào các dự án có thể triển khai được ngay trong ngắn và trung hạn. Điều này không những giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, tiếp cận với thị trường mà còn gia tăng nguồn cung và thanh khoản, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường bất động sản.
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững: Theo Báo cáo Liên hợp quốc năm 2021, ngành xây dựng và bất động sản toàn cầu ghi nhận mức năng lượng tiêu thụ 36%, gây ra hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu với tổng lượng khí thải CO2 phát ra là 37%.
Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành bất động sản giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến khắc nghiệt, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam cam kết sẽ đạt mức trung hòa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050 trong Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bất động sản trong khảo sát của Vietnam Report, việc hướng tới chiến lược đầu tư và phát triển bền vững sẽ giúp cho doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tuân thủ các quy định của chính phủ, mà là còn tạo ra lợi thế và giá trị bền vững cho cả dự án và môi trường về lâu dài, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp bất động sản trong khảo sát của Vietnam Report lựa chọn các bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, đề cao giá trị của tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong đó chú trọng vào việc sử dụng công nghệ mới, sử dụng hiệu quả nhất không gian văn phòng, giảm thiểu lãng phí, đưa nguồn cung ứng bền vững vào chuỗi cung ứng…
Top 4 xu hướng của ngành bất động sản hậu Covid-19
Năm 2022 sẽ là năm khởi đầu cho một chu kỳ trưởng thành mới với ngành bất động sản. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần nắm bắt xu hướng và lập kế hoạch phù hợp để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Kết quả khảo sát các chuyên và doanh nghiệp của Vietnam Report đã chỉ ra 4 xu hướng chủ đạo với ngành bất động sản trong thời gian tới.
Phương pháp tiếp cận kỹ thuật số ngày càng phổ biến
Sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra đã thúc đẩy quá trình số hóa trên các lĩnh vực, bao gồm cả ngành bất động sản để đảm bảo nhu cầu tiếp tục. Với tác động của số hóa, thị trường bất động sản sẽ điều chỉnh trong hầu hết các quy trình từ giao dịch, triển khai vốn, quản lý tài sản, các chuyến tham quan ảo, hay thậm chí là các mô hình tiêu dùng.
Kết quả khảo sát với doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report cho thấy, hiện tại chỉ có một số ít doanh nghiệp bất động sản áp dụng các giải pháp kỹ thuật số như công cụ Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Điện toán đám mây, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)…
Bước sang năm 2022 và trong những năm tới, số hóa và các hoạt động như tham quan ảo, giao dịch kỹ thuật số sẽ trở nên phổ biến hơn trong toàn ngành, cùng với đó là những đổi mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và Thực tế ảo (VR) để thúc đẩy thêm những cơ hội và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report trong năm 2021 chỉ ra có 22,96% người đã từng sử dụng các app môi giới và sẽ tiếp tục sử dụng, còn trong cuộc khảo sát vào tháng 2 năm 2022, con số này đã lên 27,4%.
Với thực tế ảo (VR) và mô hình 3D, người tiêu dùng có thể xem các tài sản mà không cần đặt chân vào chúng. Chúng giúp cho người mua có thể hiểu được diện mạo của bất động sản trước khi hoàn thành. Và khách hàng có thể chọn nhà của mình từ bất kỳ đâu trên thế giới dù đang đi nghỉ hay đi công tác. Vì vậy, các tour du lịch ảo là một trong những xu hướng kỹ thuật số đột phá gần đây trong lĩnh vực bất động sản.
Các giải pháp trợ lý ảo do AI hỗ trợ, trong đó khách hàng tương tác với rô bốt nói như con người. Trợ lý này có thể kết nối các khách hàng tiềm năng đã có với một đại lý bất động sản để thảo luận sâu hơn về các vấn đề bất động sản, tạo ra sự thuận tiện rất lớn cho khách hàng trong đại dịch.
Gia tăng nhu cầu đối với cơ sở hạ tầng thông minh
Số hóa cũng vẫn là một yếu tố quyết định đến thị trường bất động sản, với tác động đặc biệt đến các dự án trong tương lai. Trên 85% khách hàng trong khảo sát của Vietnam Report cho biết rằng sẵn sàng sống trong các ngôi nhà thông minh và các nhà phát triển dự án trong tương lai sẽ phải xem xét các yêu cầu của cơ sở hạ tầng thông minh như điểm sạc cho ô tô, quản lý năng lượng thông minh.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra những ứng dụng nhà thông minh được nhiều khách hàng quan tâm nhất đó là: Kiểm soát an ninh (79%); Dọn dẹp thông minh (75,8%); Chiếu sáng thông minh (64,5%); Hệ thống quản lý năng lượng (45,2%).
Nhu cầu cơ sở hạ tầng thông minh không chỉ tăng trong lĩnh vực nhà ở mà còn trong phân khúc khác của thị trường bất động sản. Như đối với phân khúc văn phòng cho thuê, khách hàng có xu hướng ưu tiên lựa chọn tiên các tòa nhà mới hơn với hệ thống thông gió tốt hơn, mặt bằng được bố trí linh hoạt hơn với các tiện nghi hiện đại như hệ thống cảm ứng. Tất cả nhằm đảm bảo tính an toàn về mặt giãn cách xã hội, kiểm soát tần suất xuất hiện của nhân viên, cũng như tính hiệu quả của việc vận hành văn phòng.
Vì vậy, bên cạnh việc điều chỉnh không gian vật lý để phù hợp với xu hướng làm việc linh hoạt ở nhà và văn phòng cũng như các yêu cầu về sức khỏe và an toàn, các công ty bất động sản thương mại nói riêng có thể sẽ cần đầu tư vào các công cụ và công nghệ thúc đẩy sức khỏe tinh thần và cảm xúc của nhân viên sau khủng hoảng.
Với trình độ sản xuất, trình độ phát triển được nâng cao, nhất là khi yêu cầu triển khai “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh đã đặt ra những yêu cầu trong xây dựng mô hình khu công nghiệp mới.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 381 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng phần lớn là khu công nghiệp cũ đang tồn tại những bất cập về kết cấu hạ tầng, không đáp ứng được nhu cầu về nơi ở chất lượng, điều kiện vui chơi giải trí cho đội ngũ lao động, chuyên gia. Theo đó, mô hình khu công nghiệp đa năng, hiện đại với hệ thống tiện ích đồng bộ cũng sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới.
Bất động sản bền vững là sự lựa chọn mới
Người mua nhà có ý thức là những người tiêu dùng theo chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức. Đây là nhóm người thường gắn liền với Gen Y (Millennials) – những người vốn rất khắt khe trong việc đưa ra sự lựa chọn về các nhãn hiệu mà họ cần để sử dụng hoặc mang vào ngôi nhà của họ. Họ nghiên cứu rất kỹ trước khi mua bất cứ thứ gì và sẵn sàng chờ đợi, hoặc thậm chí trả thêm tiền tới những sản phẩm hay thương hiệu mà họ nghĩ rằng họ có thể thúc đẩy sự thay đổi khi sử dụng chúng.
Khi thế giới chuẩn bị chống lại những tác động của biến đổi khí hậu, mọi nỗ lực được thực hiện để giảm thiểu suy thoái môi trường sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cứu hành tinh. Trong vài năm qua, người tiêu dùng ngày càng có ý thức về lượng khí thải carbon của họ. Người tiêu dùng thời đại mới ngày nay có ý thức về lựa chọn lối sống của họ và hướng tới cuộc sống bền vững.
Trên khía cạnh người tiêu dùng là doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững của mình, họ cũng ưu tiên lựa chọn văn phòng, khu công nghiệp sinh thái phải xanh, sạch, giảm khai thác tài nguyên, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp.
Theo đó, các nhà phát triển đang thực hiện nhiều sáng kiến và áp dụng các phương pháp xây dựng xanh như quản lý chất thải rắn, tái chế nước, thu hoạch nước mưa, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thiết kế hiệu quả nhằm tối ưu hóa thông gió tự nhiên và đảm bảo cơ sở hạ tầng xanh trong các khu nhà của họ. Mặc dù những giải pháp như vậy đã trở thành chuẩn mực cách đây một thời gian, nhưng năm 2022 dự kiến sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa các quy trình xây dựng thân thiện với môi trường như vậy.
Đáng chú ý, khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bất động sản trong hai năm qua đều cho thấy yếu tố quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch và đón đầu các cơ hội trong một thế giới hậu Covid-19 chính là công tác phát triển và nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Đánh giá uy tín truyền thông của doanh nghiệp bất động sản
Từ phía khảo sát khách hàng gần đây của Vietnam Report, Uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông là một trong top 3 lý do khách hàng chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong ngành bất động sản; đánh giá uy tín của doanh nghiệp theo góc nhìn của khách hàng có sự thay đổi trong 2 năm qua và có xu hướng chú trọng hơn vào việc công ty liên tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, bất động sản xanh cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và có nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và quy mô lan rộng của Internet, ngày nay, công tác truyền thông đã trở thành mũi nhọn mới trong chiến lược của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín và hình ảnh hiệu quả.
Dữ liệu mã hóa truyền thông theo phương pháp Media Coding, trên các đầu báo, kênh truyền thông có ảnh hưởng, Vietnam Report đã đánh giá uy tín của các doanh nghiệp trong ngành Bất động sản thông qua sự hiện diện trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến hết tháng 1/2022.
Theo đó, gần 52% số doanh nghiệp được nghiên cứu có tần suất xuất hiện trung bình 1 lần/ tuần, trong đó Vinhomes là doanh nghiệp có số lượng Coding unit (đơn vị thông tin được mã hóa) cao nhất. Xét về độ đa dạng hình ảnh trên truyền thông, 44,05% số doanh nghiệp đạt 10/24 nhóm chủ đề bao phủ, cao nhất là Vinhomes, Vsip với 19/24 nhóm. Top 5 chủ đề được nhắc đến nhiều nhất là: Sản phẩm; Tài chính/Kết quả kinh doanh, Hình ảnh/Pr/Scandal và Cổ phiếu.
Thị trường bất động sản năm vừa qua là một bức tranh đa sắc màu với nhiều điểm nhấn, được khắc họa rõ nét qua lăng kính truyền thông. Đầu tiên phải kể đến những đợt sốt đất nền cục bộ trên một số địa phương như Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, một số vùng tỉnh Bắc Giang… Nguyên nhân chính theo nhận định của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report là do dòng tiền nhàn rỗi không thể đổ vào kinh doanh do ảnh hưởng của Covid, đã phải tìm kiếm kênh đầu tư hấp dẫn mới.
Đất nền là một kênh đầu tư như vậy, đặc biệt khi các thông tin về quy hoạch, về xây dựng các khu công nghiệp… được công bố. Ngoài ra, hiện tượng “thổi giá” để kiếm tiền chênh lệch cũng là điểm đáng chú ý trong các đợt sốt đất này. Mọi diễn biến trên thị trường bất động sản đều là kết quả của những quyết định đầu tư, những ưu tiên của nhà đầu tư.
Ngành bất động sản cũng như nhiều ngành khác chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhất là thời điểm giãn cách xã hội, các sự kiện đông người như quảng bá, giới thiệu sản phẩm bất động sản đều bị hủy bỏ, trong đó thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Khi độ bao phủ vắc xin tăng, các hoạt động mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đồng loạt tung sản phẩm ra thị trường, chờ những tín hiệu phục hồi của thị trường, dẫn đến lượng tin về của nhóm chủ đề Sản phẩm tăng cao đột biến dịp cuối năm.
Ngoài việc tăng giá các sản phẩm bất động sản tại các phân khúc, cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn cuối năm do sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, dòng tiền lớn đổ vào thị trường, và sau những thương vụ đấu giá lớn chưa từng có trên thị trường. Nếu như giai đoạn nghiên cứu của năm 2021, chủ đề Cổ phiếu chiếm tỷ trọng 8,94% còn trong giai đoạn nghiên cứu của năm 2022, chủ đề này đã tăng tỷ trọng lên 13,7%.
Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Trong ngành bất động sản có 73,81% số doanh nghiệp được nghiên cứu đạt được mức 10% này; 65,48% đạt ngưỡng trên 20%. Cũng cần lưu ý rằng, doanh nghiệp càng xuất hiện nhiều trên truyền thông thì việc đạt tỷ lệ “tốt nhất” càng khó hơn so với các doanh nghiệp có ít sự hiện diện, đặc biệt là duy trì tỷ lệ này trong suốt 12 tháng của một năm hoạt động.
Về biến động thông tin, có thể thấy bất động sản trong giai đoạn vừa qua đa phần đón nhận thông tin tích cực, tin tiêu cực của từng tháng đều được kiểm soát tốt dưới 10%, chỉ có riêng tháng 2/2021 lượng tin tiêu cực đạt 10,73%.
Cùng với các phân tích trên, Vietnam Report cũng công bố xếp hạng Top 10 Chủ đầu tư và Phát triển bất động sản uy tín năm 2022, Top 10 Công ty bất động sản Công nghiệp uy tín năm 2022 và Top 5 Công ty Tư vấn và Môi giới bất động sản Việt Nam uy tín năm 2022.
—————————————–
Bản quyền thuộc về nguồn: Vietnam Report