Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2022 – Vietnam Report

Share

Ngày 05/4/2022, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng (XD-VLXD) năm 2022.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp (DN) trên truyền thông và đánh giá của các bên liên quan trong ngành, cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về DN trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan trong giai đoạn 2021 – 2022 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của DN trong ngành. 

Danh sách 1: Top 10 Nhà thầu Xây dựng uy tín năm 2022

 

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 4/2022

Danh sách 2: Top 5 Nhà thầu Cơ điện Việt Nam uy tín năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 4/2022

Danh sách 3: Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 4/2022

Danh sách 4: Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2022 – Nhóm sản phẩm: Sắt, thép, tôn

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 4/2022

Danh sách 5: Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2022 – Nhóm sản phẩm: Gạch, đá ốp lát

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 4/2022

Danh sách 6: Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2022 – Nhóm sản phẩm: Cửa – tấm profile – vách ngăn: nhựa, nhôm kính, thạch cao

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 4/2022

Ngành xây dựng năm 2021: Bền bỉ vượt khó

Ngành xây dựng đã trải qua một năm 2021 đầy khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm, nhờ kinh nghiệm có được từ năm 2020 và sự thích ứng tốt của các doanh nghiệp, tăng trưởng của ngành đạt 5,59%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 là 4,54%. Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch thứ tư, nhiều địa phương trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Phần lớn các dự án nằm trong các tỉnh thành bị giãn cách đều phải ngừng thi công. Các dự án nằm ngoài khu vực giãn cách cũng bị đình trệ do đứt gãy nguồn cung vật tư và nhân lực. Tổn thất kinh tế có thể nhìn thấy rõ nhất đó là: chi phí duy trì bộ máy, chi phí phòng chống dịch, chi phí huy động nguồn lực sau các đợt giãn cách… 37,9% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết trên 20% số dự án/hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do dịch COVID-19. Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch, biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng. Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong khi chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn từ năm 2020. Hai loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là thép và xi măng lần lượt tăng giá khoảng 40% và 8,4%. Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65 – 70% giá dự toán xây dựng công trình, việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số chuyên gia trong ngành nhận định “bão giá” đã quét sạch những lợi nhuận có thể hy hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.

Hình 1: Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2021 so với năm 2020 của doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 2-3/2022

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành trong năm 2021 chỉ đạt 0,63% – đây là mức rất thấp so với tăng trưởng trung bình 7,2% trong 10 năm trở lại đây. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 53,3% số doanh nghiệp trong ngành vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu mặc dù mức tăng trưởng chủ yếu dưới 25%. Khảo sát cũng chỉ ra rằng biến động doanh thu của phần lớn doanh nghiệp nằm trong khoảng tăng/giảm 25% trong khi biên độ thay đổi của lợi nhuận lớn hơn, nằm trong khoảng tăng/giảm 50%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn trùng trùng. Theo nhận định từ phần lớn các chuyên gia tham gia phỏng vấn của Vietnam Report, đóng góp quan trọng nhất và có tính quyết định vào kết quả kinh doanh tích cực đó chính là việc chuyển hướng từ “chống dịch như chống giặc” sang “sống chung an toàn và thích nghi với đại dịch” của Chính phủ. 72,4% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng này sẽ là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng năm 2022.

Uy tín thương hiệu đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động

Nếu như việc thay đổi thái độ đối với COVID-19 từ “giặc” sang “sống chung” là bước ngoặt quan trọng, tạo ra sự phục hồi kinh doanh trong quý IV/2021 thì uy tín doanh nghiệp lại là động lực mạnh mẽ nhất giúp 96,6% số doanh nghiệp trong ngành bền bỉ vượt qua những khó khăn liên tiếp trong suốt cả năm vừa qua (theo khảo sát của Vietnam Report). Xây dựng một thương hiệu uy tín cần mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng do thời gian thi công thường kéo dài từ 2-3 năm, chưa kể vòng đời sản phẩm/dự án (thiết kế, sản xuất vật liệu, xây dựng, sử dụng, phá dỡ) có thể kéo dài tới vài chục năm. Để có thể xây dựng được thương hiệu mạnh, doanh nghiệp cần phát triển đồng thời 7 khía cạnh sau: Sản phẩm, Đổi mới, Môi trường làm việc, Trách nhiệm xã hội, Năng lực quản trị, Khả năng lãnh đạo và Kết quả kinh doanh, chứ không phải chỉ 1 hoặc 2 khía cạnh. Đánh giá uy tín của doanh nghiệp ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng cần quan tâm đến tất cả các bên liên quan như chủ đầu tư, khách hàng, đối tác, đối thủ cạnh tranh, nhà phân phối, nhân viên trong chính doanh nghiệp đó…

Theo nhận định của Vietnam Report, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành, từ đó nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc mua sắm. Kết quả phân tích truyền thông cho thấy, mặc dù hoạt động kinh doanh có phần trầm lắng do ảnh hưởng của những đợt bùng phát dịch nhưng hoạt động truyền thông của doanh nghiệp trong ngành vẫn rất tích cực, phần lớn nhà thầu đều có tần suất xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn năm trước.  Đáng chú ý, khoảng cách giữa 3 nhà thầu thu hút truyền thông nhiều nhất là Coteccons, Hòa Bình và Vinaconex đã thu hẹp đáng kể, đặc biệt là khoảng cách giữa Coteccons và Hòa Bình. Bên cạnh đó, Ricons, Fecon là những nhà thầu có hoạt động truyền thông hiệu quả hơn khi xét về mức độ “an toàn” thông tin (tỷ lệ chênh lệch tin tích cực và tiêu cực trong tổng số thông tin được mã hóa của doanh nghiệp).

Hình 2: Những nhà thầu nổi bật trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các DN ngành XD-VLXD từ tháng 2/2020 đến hết tháng 1/2022

Theo nhận định của Vietnam Report, doanh nghiệp được đánh giá là “hiệu quả” về mặt đa dạng hình ảnh trên truyền thông khi có độ bao phủ thông tin đạt 10/24 nhóm chủ đề và “hiệu quả vượt trội” nếu đạt 15/24 nhóm chủ đề. Kết quả phân tích truyền thông cho thấy, 43,3% số doanh nghiệp trong ngành đạt mức “hiệu quả” này, cải thiện đáng kể so với mức 34,7% trong giai đoạn trước. Hơn thế nữa, có đến 15,0% số doanh nghiệp đạt “hiệu quả vượt trội”, gấp 2,3 lần giai đoạn trước, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhảy vọt từ mức “chưa hiệu quả” sang “hiệu quả vượt trội.” (Hình 3)

Hình 3: Những doanh nghiệp có trên 15 nhóm chủ đề bao phủ (trên tổng số 24 nhóm chủ đề) trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các DN ngành XD-VLXD từ tháng 2/2020 đến hết tháng 1/2022

Tuy nhiên, phân tích truyền thông của Vietnam Report còn cho thấy, trong hai năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, dường như các doanh nghiệp trong ngành tỏ ra khá lúng túng trong công tác nghiên cứu thị hiếu, hành vi người tiêu dùng cũng như các hoạt động trách nhiệm xã hội. Tỷ lệ doanh nghiệp đạt hiệu quả đối với chủ đề Khách hàng, sản phẩm có phần chững lại ở mức 6,6%. Thậm chí đối với chủ đề Xã hội, trách nhiệm xã hội, tỷ lệ doanh nghiệp đạt hiệu quả còn giảm nhẹ 0,8% từ mức 5,5% trong giai đoạn trước. Nguyên nhân có thể do các doanh nghiệp dồn phần lớn nguồn lực cho công tác chống dịch, đảm bảo sản xuất kinh doanh. Vietnam Report khuyến nghị các doanh nghiệp cần cân đối tỷ trọng giữa các nhóm tin bài để đảm bảo hình ảnh của mình trong mắt nhà đầu tư, khách hàng cũng như cộng đồng luôn được cập nhật thường xuyên.

Điểm sáng từ hành trình số hóa

Đây là điểm tích cực lớn nhất trong bức tranh kinh tế khó khăn giai đoạn vừa qua bởi ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng xưa nay vốn chậm chạp trong công tác đầu tư và áp dụng công nghệ. Theo khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 2/2022, gần 2/3 số doanh nghiệp đã nắm bắt công nghệ để duy trì hoạt động kinh doanh trong những thời điểm bị gián đoạn, từ đó gặt hái được nhiều lợi ích và giải quyết một số vấn đề chính của ngành: tính an toàn, năng suất và tình trạng thiếu lao động. Trong đó, hệ thống hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP); Nền tảng công nghệ di động; Điện toán đám mây; và Dữ liệu lớn là 4 công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất.

Hình 4: Mức độ ứng dụng một số công nghệ tại các doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 2-3/2022

Nhu cầu ứng dụng công nghệ ngày càng trở nên mạnh mẽ khi phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đang đầu tư cho công nghệ ở mức vừa phải hoặc cao. Ba công nghệ được đánh giá có tiềm năng mang lại hiệu quả đầu tư lớn nhất bao gồm: Phân tích dữ liệu nâng cao (65,5%), Mô hình thông tin xây dựng (BIM) (55,2%) và Nền tảng di động (31,0%).

Một điểm tích cực khác đến từ tiến trình số hóa đó là cộng đồng doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc xây dựng hệ sinh thái ngành có tính kết nối. Cốt lõi của hệ sinh thái ngành kết nối là phân tích dữ liệu nâng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Những ứng dụng này có thể đặt tài sản, con người, quy trình, công việc… vào một nền tảng, làm cho mọi thứ hoạt động thông minh hơn, giảm “thời gian chết”, tối ưu hóa hiệu suất và hiệu quả sử dụng tài sản, đồng thời hiển thị tốt hơn trong vận hành. Khi đó, việc phát triển, phân tích dữ liệu cũng như khả năng cung cấp dữ liệu chi tiết về người dùng đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ vậy, hệ sinh thái ngành kết nối sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi cách tiếp cận giải quyết vấn đề từ phản ứng sang dự đoán. Bên cạnh đó, một khía cạnh tích cực khác của hệ sinh thái ngành kết nối đó là kiểm soát tốt hơn lượng khí thải thông qua việc giám sát động và liên tục, không chỉ trong quá trình thiết kế, xây dựng mà còn trong giai đoạn vận hành.

Khả năng phục hồi – chìa khóa để biến “nguy” thành “cơ”

Ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xem xét các tiêu chí cần thiết để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu về COVID-19, đánh dấu cột mốc quan trọng sau hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát. Trước đó, hồi đầu tháng 1/2022, WHO cũng lạc quan cho rằng đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm nay nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Cuộc khủng hoảng chưa từng có về kinh tế – xã hội trên diện rộng đang dần đi đến hồi kết. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại và chỉ ra những điểm yếu hoặc sai sót trong cách nhận biết, xử lý vấn đề, từ đó đề ra các biện pháp kiểm soát hoặc quy định mới để ngăn chặn những sự kiện tương tự xảy ra trong tương lai.

Trong số các ngành kinh tế, các doanh nghiệp ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng nói riêng và hệ sinh thái ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng nói chung tỏ ra khá chủ động trước những ảnh hưởng từ đại dịch nhờ kinh nghiệm quản trị khủng khoảng có được từ cách đây hơn mười năm. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 86,7% số doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phản ứng ngay lập tức, thích nghi tốt và chịu ít tác động; 6,7% số doanh nghiệp không có sự chuẩn bị nhưng đã phản ứng nhanh chóng và dứt khoát để phục hồi. Dẫu vậy, vẫn có khoảng 3,3% số doanh nghiệp phản ứng chậm và kỳ vọng sẽ phục hồi trong tương lai và 3,3% số doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn. Câu hỏi đặt ra là, mặc dù có sự chủ động nhưng tại sao tăng trưởng vẫn ở mức thấp? Điều này cho thấy một kế hoạch quản trị khủng hoảng có lẽ là chưa đủ. Các doanh nghiệp đang hứng chịu những tác động tiêu cực do việc bỏ qua đầu tư vào chiến lược phục hồi kinh doanh. Khả năng phục hồi kinh doanh được hiểu là khả năng mà một doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng với sự gián đoạn, đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và bảo vệ nhân sự, tài sản cũng như giá trị thương hiệu nói chung. Như vậy, khả năng phục hồi đề cập đến việc quản lý khủng hoảng và tính liên tục trong kinh doanh, ứng phó với tất cả các loại rủi ro mà một doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Ngoài ra, khả năng phục hồi kinh doanh còn đề cập đến khả năng doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh mới sau khủng hoảng.

Từ những bài học xương máu rút ra trong 2 năm ứng phó với đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp Xây dựng – Vật liệu xây dựng tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi khi triển khai các dự án và phân bổ nguồn vốn của họ đạt 4,3 điểm trên thang điểm 5 – tức là mức rất quan trọng. Khảo sát cũng cho thấy, 100% số doanh nghiệp đã và đang cam kết hành động quyết liệt để cải thiện khả năng phục hồi của doanh nghiệp trước các sự kiện gián đoạn trong tương lai, trong đó 33,3% số doanh nghiệp đã hoàn thành với những giải pháp thiết thực; 43,3% số doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai và 23,4% số doanh nghiệp đang lập kế hoạch.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán. Vì vậy, doanh nghiệp nào đầu tư tốt cho khả năng phục hồi kinh doanh thì doanh nghiệp đó không những có thể vượt qua khó khăn từ những rủi ro và gián đoạn mà còn có thể phục hồi nhanh hơn và bứt phá tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo. Từ kết quả từ khảo sát trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vững chắc vào triển vọng phục hồi và tăng tốc của toàn ngành trong năm 2022.

Triển vọng 2022: Sẵn sàng tăng tốc, chinh phục mốc son mới

Mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch, thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được định giá khoảng 60 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra phần lớn doanh nghiệp trong ngành đều lạc quan về triển vọng của ngành trong năm 2022 đối với tất cả các phân khúc. (Hình 5)

Hình 5: Đánh giá môi trường kinh doanh một số phân khúc thị trường ngành xây dựng – vật liệu xây dựng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 2-3/2022

Tín hiệu tích cực đến ngay từ những tháng đầu năm khi backlog (giá trị hợp đồng chưa thực hiện) của các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng dân dụng tiếp tục lập đỉnh. Thêm vào đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam là điểm sáng đối với mảng xây dựng công nghiệp. Cụ thể, tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần đạt gần 9 tỷ USD; tổng vốn giải ngân ước tính đạt 4,42 tỷ USD – đây là mức cao nhất so với quý I của các năm giai đoạn 2018-2022. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai gần đây đã và đang tạo ra những xung lực mới cho các doanh nghiệp trong ngành phục hồi và tăng tốc. Theo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, sẽ có tối đa 176.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, đa phần là đầu tư hạ tầng giao thông. Cũng trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 50.000 tỷ đồng – mức lớn nhất từ trước đến nay. Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới. Song song với đó, môi trường pháp lý cũng có một số chuyển biến tích cực. Gần đây Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ khá nhiều nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Ngoài ra, Nghị quyết 02/2022 của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực đủ lớn để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý kinh tế, tạo thành trợ lực giúp các doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng tăng tốc, chinh phục mốc son mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Hình 6: Những khó khăn cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng – vật liệu xây dựng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 2-3/2022

Bên cạnh những tín hiệu khả quan như đã phân tích trên, khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, bức tranh kinh tế ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng vẫn còn tồn tại không ít thách thức (Hình 6). Có thể thấy rằng, phần lớn khó khăn là hệ quả của đại dịch đều có chiều hướng giảm tác động trong 12-18 tháng tới khi cuộc khủng hoảng này đang dần đi đến hồi kết, ngoại trừ Lạm phát (+17,2%) và Tác động của suy thoái kinh tế (+6,9%).  Năm vừa qua, Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát thành công khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, theo nhận định của phần lớn doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, áp lực lạm phát rất lớn bởi: (1) Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại khi đại dịch dần được kiểm soát và kết thúc; (2) Giá hàng hóa thế giới tăng nhanh đối với một số mặt hàng thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong sản xuất do gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc do chi phí vận tải gia tăng. Dragon Capital dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam từ 3,58% đến 4,18%. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị Nga – Ukraine gần đây đã có nhiều tác động đến thị trường toàn cầu, qua đó gián tiếp ảnh hưởng tới ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng Việt Nam thông qua nhiều kênh như diễn biến giá dầu và giá thép thế giới… Dẫu vậy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng với những bước tiến mới trong thỏa thuận đàm phán thời gian tới, căng thẳng sẽ hạ nhiệt và thị trường sẽ ổn định hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi kinh tế, bù đắp lại những mất mát trong giai đoạn vừa qua, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Xây dựng – Vật liệu xây dựng trong ngắn và trung hạn tập trung vào 6 ưu tiên sau: (1) Tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; (2) Đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; (3) Tăng cường hợp tác đầu tư; (4) Đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ; (5) Tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với thời đại số; và (6) Tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. Bốn trong số sáu ưu tiên trên nằm trong nỗ lực cải thiện khả năng phục hồi của doanh nghiệp (quản trị rủi ro, quản trị tài chính và quản trị nhân sự), tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong gian đoạn mới.

Hình 7: Top 6 chiến lược ưu tiên trong ngắn và trung hạn của doanh nghiệp ngành xây dựng – vật liệu xây dựng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 2-3/2022

Xu hướng xây dựng bền vững

Song song với cải thiện năng lực phục hồi, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần nắm bắt và khai thác có hiệu quả những xu hướng kinh doanh mới, nhất là những xu hướng được thúc đẩy bởi đại dịch, một trong số đó chính là xây dựng bền vững.

Tại Hội nghị các bên liên quan về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cùng với gần 150 quốc gia khác đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Điều này sẽ tác động toàn diện tới cách thức sử dụng năng lượng cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong đó có ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng – hoạt động chiếm 2/3 tổng lượng phát thải khí CO2 toàn cầu. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 100% số doanh nghiệp nhận thức được mức độ liên quan của tính bền vững đối với lĩnh vực kinh doanh của mình. Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, hoạt động xây dựng bền vững (sustainable construction) đang từng bước tiệm cận với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG – Environmental, Social and Governance Criteria), trong đó tập trung vào (1) các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (2) nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra tiến bộ trong đời sống xã hội, song song với đó vẫn (3) đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tạo ra lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai.

Thực tế, xu hướng xây dựng bền vững vốn là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp nhiều năm gần đây. Ngày càng có nhiều hơn các chủ đầu tư và người mua nhà hướng tới các tiêu chí “xanh” trong việc phát triển các dự án xây dựng, các công trình nhà ở. Khoảng 69,2% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn ESG đã ảnh hưởng đến việc giành được hợp đồng/đơn hàng hoặc thắng thầu của họ. Theo đó, các doanh nghiệp lớn trong ngành đã và đang áp dụng mô hình xây dựng xanh theo các tiêu chuẩn gắt gao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, vận hành các khâu khép kín, tuần hoàn để tạo ra thế mạnh cạnh tranh và tạo ra giá trị cho khách hàng nói riêng và cho xã hội nói chung. Để đạt được mục tiêu bền vững, 2 ưu tiên được phần lớn doanh nghiệp trong ngành lựa chọn là: Sử dụng công nghệ mới (75,9%) và Đưa nguồn cung ứng bền vững vào chuỗi cung ứng (58,6%).

Hình 8: Những ưu tiên hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2022, tháng 2-3/2022

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, mức độ triển khai các ưu tiên hướng đến phát triển bền vững còn khá chậm, cho đến khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra, buộc chúng ta phải ngồi lại, xem xét một cách nghiêm túc hơn về những tác động của ngành đến môi trường và khí hậu. Trong bối cảnh toàn nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển hậu COVID-19, điều quan trọng là phải bắt đầu tích hợp tư duy và lập kế hoạch cần thiết để có thể hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giảm thiểu các rủi ro môi trường. Trả lời phỏng vấn của Vietnam Report, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong ngành cho biết họ đang và sẽ thích nghi nhanh chóng, đáp ứng các thay đổi về chủ trương, đường lối của Nhà nước và chuẩn bị nhân lực, quy trình để triển khai. Bên cạnh đó, họ cũng chia sẻ về những khó khăn vướng mắc chung, cần sự đồng bộ, chung tay của tất cả các bộ – ngành – doanh nghiệp khác, cùng hiểu và cùng thực hiện để đạt được hiệu quả tốt nhất.

 

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2022 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ…

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 02/2021 đến tháng 01/2022. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

 

Vietnam Report

 

 

—————————————–

Bản quyền thuộc về nguồn: Vietnam Report