Nguồn lực quan trọng của phát triển kinh tế
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nhiều kỳ Đại hội Đảng đã xác định: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung cốt lõi trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Viện Nghiên cứu cơ khí đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than… cho các nhà máy nhiệt điện
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa, phát triển và khẳng định: Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, Nghị quyết nêu: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; “Tiếp tục phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ”.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 cũng xác định một trong những đột phá chiến lược của nước ta là “phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược một lần nữa khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Chiến lược chỉ rõ, bên cạnh việc theo đuổi phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ, cần tập trung thúc đẩy áp dụng, lan tỏa nhanh các công nghệ hiện có vào nền kinh tế, thúc đẩy năng lực ứng dụng, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, tăng cường năng lực quản lý, quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Thực tế, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cùng sự hợp tác ngày một sâu rộng của các doanh nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta đã tạo ra nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng trong đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua đạt 45%, vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra là mức 30-35%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,88%/năm, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011-2015 là 4,24%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước có tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khối ASEAN và cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao ở châu Á.
Đồng thời, trong những năm qua kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Thái Lan. Việt Nam cũng là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất.
Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được tạo ra, tiếp thu, làm chủ và áp dụng trong các doanh nghiệp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gặt hái nhiều “trái ngọt” trong nghiên cứu
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt được thứ hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo, đồng thời, các sản phẩm khoa học và công nghệ đã có được những con số ấn tượng, nhiều sản phẩm tốt, thậm chí đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Nhiều sáng chế của Viettel đã được Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền
Ví dụ, như nước ta đã trở thành một trong 4 quốc gia trên thế giới sản xuất đươc vắc xin tiêu chảy Rota; là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới, 3 quốc gia châu Á tự thiết kế và đóng được giàn khoan đạt tiêu chuẩn quốc tế, giàn khoan 90m nước và 120m nước.
Hay, tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines (từ ngày 10-13/11/2019) đã công nhận giống gạo ST25 do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Tương tự, nhiều sáng chế của Viettel đã được Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền…
“Bên cạnh các thành tựu, kết quả của các viện nghiên cứu công lập, trong thời gian qua, còn có sự trỗi dậy của khối tư nhân với rất nhiều công trình, kết quả nghiên cứu từ các viện tư nhân, các nhà sáng tạo tư nhân đã có dấu ấn và đóng góp cho kinh tế xã hội rất lớn” – ông Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) khẳng định, tới nay, năng lực cán bộ Viện đã có bước tiến nhảy vọt không chỉ trong công tác nghiên cứu, thiết kế, mà còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực.
“Từ thành công của dự án đầu tiên, NARIME đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW)” – TS. Phan Đăng Phong dẫn chứng.
Đáng chú ý, sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm và đặc biệt, góp phần phát điện sớm 3 năm với Nhà máy thủy điện Sơn La và 01 năm với Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than, hệ thống phòng cháy chữa cháy các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi sơn 2.
Đặc biệt dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6%, tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên trong nước thực hiện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Mặt khác, NARIME đã nhanh chóng triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số đã thể hiện sự nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm khoa học và nâng cao không ngừng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Mới đây nhất, Viện đã thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại doanh nghiệp logistics.
Hệ thống phân loại sản phẩm tự động này có thể hoạt động liên tục trên ca làm việc 8 giờ/ngày, ghi nhận năng suất khoảng 7.500 sản phẩm/giờ (tương ứng khoảng 60.000 sản phẩm/ngày). Trên thực tế, tại thời điểm chạy thử nghiệm và vận hành chính thức chưa phải là dịp cao điểm. Theo tính toán, nếu hoạt động tối đa năng suất thì hệ thống có thể đáp ứng lên tới 70.000 sản phẩm/ngày.
GS.TS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, Viện Hàn lâm là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố quốc tế với hàng nghìn bài báo được xuất bản hàng năm (năm 2020 là 1.613 bài, trong đó 1.281 bài đạt chuẩn SCI/SCI-E, năm 2021 là 1.607 bài, trong đó, 1.324 bài đạt chuẩn SCI/SCI-E). Nhiều công trình công bố của các nhà khoa học của Viện được xuất bản trên các tạp chí có uy tín cao trên thế giới, có hệ số ảnh hưởng cao.
Đến nay, trung bình mỗi tiến sỹ đạt 01 công trình công bố quốc tế đạt tiêu chuẩn ISI. Nhiều công trình khoa học của Viện đã vinh dự nhận được những giải thưởng lớn trong nước như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Tạ quang Bửu, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, giải thưởng quốc tế như Ramanujan, giải thưởng L’Oreal, giải thưởng Kovalevskaia.
Trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm cũng luôn đứng đầu về số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích và chiếm tỉ lệ lớn của Việt Nam, có khoảng 40-50 sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp bằng hằng năm. “Viện Hàn lâm đã được nhận giải thưởng “Dẫn đầu đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á” (hạng mục tổ chức nghiên cứu Chính phủ) của tổ chức cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ nổi tiếng thế giới Clarivate, Vương quốc Anh trong 2 năm liên tục (2020 và 2021)” – GS.TS. Châu Văn Minh nêu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự thâm nhập ngày càng tăng của khoa học và công nghệ vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội, lực lượng khoa học và công nghệ đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được người dân và xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Bài 2: Hành trình còn lắm gian nan
Nguồn: congthuong.vn/