Sau khi nhà chức trách Việt Nam bắt giữ tổng giám đốc của công ty Việt Á với cáo buộc “thổi giá”, “trục lợi” từ việc bán các bộ xét nghiệm COVID-19, hiện đang xuất hiện thêm các thông tin về sự dính líu của hai bộ Y tế và Khoa học-Công nghệ vào vụ bê bối này, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Trong các ngày 18 và 19/12, các báo Việt Nam cho biết công an khởi tố và bắt giam ông Phan Quốc Việt, 41 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, vì vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bộ xét nghiệm (test kit) COVID-19.
Công an, được báo chí dẫn lại, cho hay họ cũng khởi tố 6 người khác và đã lấy lời khai của 30 người có liên quan.
Tin cho hay kết quả điều tra ban đầu phát hiện rằng ông Việt “lợi dụng” tình hình đại dịch để được hưởng quy chế “chỉ định thầu rút gọn” và được phép cung cấp vật tư, thiết bị y tế cho các bệnh viện và cơ quan kiểm soát dịch (CDC) ở nhiều tỉnh, thành phố.
Công ty của ông Việt đã thông đồng với lãnh đạo các cơ quan nêu trên để mua bán với giá “cao hơn nhiều” so với giá thành sản xuất, các báo Việt Nam tường thuật, trích dẫn thông tin từ phía công an.
Giá bán một test kit được “thổi” lên thành 470.000 đồng và Công ty Việt Á đã chi “tiền phần trăm hợp đồng”, tức “tiền hoa hồng”, cho lãnh đạo các bệnh viên, các CDC của các tỉnh, thành, theo kết quả điều tra ban đầu, được các báo đăng lại.
Chỉ riêng với CDC của tỉnh Hải Dương, Việt Á có các hợp đồng đạt tổng giá trị 151 tỷ đồng và ông Phan Quốc Việt đã chi tiền hoa hồng là gần 30 tỷ cho vị giám đốc của CDC này, tương đương 20% giá trị hợp đồng.
Theo công an, trên toàn quốc, doanh thu của Việt Á từ bán test kit lên tới 4.000 tỷ đồng. Một số nhà quan sát đưa ra tính toán rằng nếu các quan chức liên quan được hưởng ít nhất 20% giá trị hợp đồng tương tự như lãnh đạo CDC Hải Dương, số tiền các quan chức đó đút túi cá nhân lên đến 800 tỷ đồng.
Vụ bê bối của Việt Á thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Việt, vốn đã bất bình trong cả năm qua về việc ngành y tế nhiều lần đặt ra yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, thậm chí áp dụng các biện pháp cưỡng chế xét nghiệm, từng dẫn đến một số vụ việc bị lên án là “dã man”, “phi nhân tính”, “vi phạm tự do thân thể” hoặc “xâm phạm tư gia” của công dân.
Trong nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra trên mạng xã hội về vụ bê bối vừa bị phanh phui, nhiều người giờ đây đặt ra mối liên hệ rằng phải chăng bấy lâu nay nhà chức trách các cấp sốt sắng thúc đẩy, thậm chí thúc ép xét ngiệm trên diện rộng là vì được hưởng những lợi ích được chia chác từ các thương vụ kinh doanh test kit.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh, người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội với 94.000 người theo dõi, chia sẻ suy nghĩ của ông với VOA:
“Cái việc đè người ta ra xét nghiệm là tôi không đồng ý. Từ lúc đó tôi đã có rất nhiều ý kiến. Vấn đề lợi dụng mua bán các kit xét nghiệm này rồi liên quan đến thúc đẩy phải làm xét nghiệm, phải làm xét nghiệm, phải làm xét nghiệm thì tôi cho là có liên quan đến nhau”.
Trong khi cuộc điều tra của công an còn đang diễn ra, báo chí và dư luận Việt đang nêu tên hai bộ bị xem là có nhiều dính líu đến vụ bê bối, đó là Bộ Y tế và Bộ Khoa học-Công nghệ.
Các báo trong nước nói hôm 20/12 rằng chính Bộ Y tế là cơ quan quản lý cấp nhà nước đã “giới thiệu” mức giá đã bị thổi phồng là 470.000 đồng/kit cho các tỉnh để họ mua của Việt Á.
Cụ thể hơn, các báo cho biết Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế của bộ là ông Nguyễn Minh Tuấn đã ký một văn bản hồi ngày 2/7/2021 gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ về vấn đề nêu trên.
Nhưng mức giá 470.000 đồng/kit chỉ là mức giá “thấp nhất” do bộ giới thiệu, còn trong thực tế, một số nơi mua với giá thậm chí còn lên đến gần 510.000 đồng/kit.
Lần ngược thời gian, báo chí và dư luận Việt tìm ra các thông tin cho thấy hai bộ Y tế và Khoa học-Công nghệ dường như đã dễ dãi cấp phép và quảng bá cho test kit của Việt Á chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần của cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2020.
Tiếp đến, Bộ Khoa học-Công nghệ, Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Báo Chính phủ và một số báo khác của nhà nước Việt Nam vào cuối tháng 4/2020 loan tin rằng test kit của Việt Á được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận.
Tuy nhiên, hiện nay, Tuổi Trẻ và một số báo đưa ra bằng chứng cho thấy WHO chưa bao giờ phê duyệt test kit của Việt Á. Trong ngày 20/12, Bộ Khoa học-Công nghệ lên tiếng thừa nhận có sai sót và đã gỡ tin nói về việc WHO phê duyệt.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn bình luận về sự việc này với VOA:
“Cái đó là tin láo. Tôi xác định là Bộ Khoa học-Công nghệ của Việt Nam đăng một tin láo về chuyện kit của Việt Á được WHO công nhận nhưng thực tế là không được. Điều đó là tin láo. Còn tại sao có tin láo đó, tin láo đó có tác động như thế nào thì phải để thời gian trả lời”.
Theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ bất bình về thông tin bất nhất của Bộ Khoa học-Công nghệ và chất vấn liệu nhà nước sẽ xử lý như thế nào khi bộ đăng tin sai nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tiền bạc của công dân. Họ cũng nêu lên hình ảnh tương phản là có những người dân thường đăng tin sai trên mạng đã bị nhà chức trách phạt tiền hoặc án tù khá nặng.
Nhưng mối bất bình lớn hơn cả từ phía dư luận Việt là ở chỗ họ cho rằng Việt Á chỉ là phần nổi của tảng băng, còn đứng sau phải có những ai đó liên kết với nhau để “lừa đảo” hàng chục triệu người dân Việt.
Nhiều người lên tiếng trên mạng xã hội đề nghị lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam phải “làm đến nơi đến chốn” về vụ bê bối này và đưa ra ánh sáng những kẻ bị coi là “hút máu dân” trong vụ này.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn tỏ ra hoài nghi về các động thái của phía nhà nước. Ông nói:
“Thực sự họ [nhà nước] làm gì, chúng ta đã thấy qua nhiều chuyện rồi. Thành ra tôi chỉ mong người dân nhìn thấy được tất cả những vấn đề liên quan đến tính mạng, đến sức khỏe của người ta để có thái độ đúng đắn hơn trong chuyện có chấp nhận hay các yêu cầu mà trước đây nhiều khi người ta cứ nhắm mắt chấp nhận”.
Ngoại trừ Bộ Khoa học-Công nghệ vừa thừa nhận đăng tin sai. Bộ Y tế chưa lên tiếng chính thức về vai trò của bộ trong vụ bê bối đang diễn ra.
Nguồn: VOA