Doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

Share

Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp để thực hiện thành công Đề án  phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2030 là phát triển công nghiệp sinh học phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. 

Ngành khoa học quan trọng

Ngày 25/01/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 14/2007/QĐ-TTG phê duyệt “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” (Đề án CNSH 2020). Trong giai đoạn 2007-2020, công nghệ vi sinh và công nghệ enzyme là hai lĩnh vực chủ chốt được triển khai. Trong đó, ứng dụng sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng là định hướng trọng tâm.

Đề án CNSH 2020 đã phê duyệt triển khai 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN), trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 34,5%). Gần 1.000 nhà khoa học đến từ hơn 50 đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học khắp cả nước đã tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc đề án. Cùng với đó là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Các sản phẩm của Đề án CNSH 2020 được giới thiệu, trung bày tại nhiều hội chợ, triễn lãm lớn trên cả nước

TS. Đặng Tất Thành – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, nếu như năm 2007 – năm đầu tiên thực hiện đề án, chỉ có 01 nhiệm vụ KHCN được triển khai và doanh nghiệp tham gia còn ở quy mô nhỏ thì đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp tham gia vào các nhiệm vụ KHCN đã tăng lên 75%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, 100% nhiệm vụ KHCN đã có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp hoạt động ở nhiều quy mô khác nhau.

“Gần 100 sản phẩm tiêu biểu thuộc Đề án CNSH 2020 đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Kết quả này có được cũng nhờ một phần vào sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ” – TS. Đặng Tất Thành nhấn mạnh.

Rất nhiều sản phẩm là kết quả của các nhiệm vụ KHCN thuộc Đề án CNSH 2020 được thương mại hóa trên thị trường,đem lại giá trị gia tăng cao

Tiếp nối những thành tựu đạt được từ Đề án CNSH 2020, ngày 22 tháng 9 năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 (Đề án CNSH 2030). Mục tiêu của Đề án CNSH 2030 là phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp; nâng cao tiềm lực, hiệu quả nghiên cứu, làm chủ công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam. Đồng thời, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ sinh học trong ngành Công Thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp công nghệ sinh học và sản xuất sản phẩm mới, an toàn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Đề án CNSH 2030 tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu như phát triển KH&CN trong công nghiệp chế biến, phát triển tiềm lực, chính sách, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin, truyền thông. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những định hướng và giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Đề án CNSH 2030 là phát triển công nghiệp sinh học phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.

Sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, đem lại doanh thu cao cho doanh nghiệp 

Doanh nghiệp là trung tâm

Đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế là một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 mà Đề án CNSH 2030 đã đặt ra.

Theo PGS. TS Chu Kỳ Sơn – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), nhu cầu nhân lực cho ngành CNSH trong những năm tới sẽ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao sẽ rất được săn đón. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần có sự đầu tư nghiên cứu, nắm bắt sự biến chuyển của thị trường. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu cũng là yêu cầu bắt buộc để bắt nhịp với các cơ sở đào tạo uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra định kỳ triển khai Đề án CNSH 2020 tại Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh. (Quảng Bình, Tháng 9/2019)

Theo PGS.TS Chu Kỳ Sơn, hoạt động đào tạo cần gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất. “Sự đồng hành của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực, nghiên cứu chuyên sâu sẽ giúp công tác đào tạo-nghiên cứu bám sát thực tiễn. Thông qua đó, sinh viên cũng được cọ xát thực tế, sẵn sàng hơn khi gia nhập thị trường lao động. Đối với doanh nghiệp, đây là những cơ hội để tận dụng nguồn chất xám dồi dào từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; tiết kiệm nguồn lực trong việc đào tạo nhân sự sau này.”

Đồng quan điểm với PGS.TS Chu Kỳ Sơn, TS. Phạm Kiên Cường – Trưởng phòng Công nghệ Hóa sinh, Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự – Bộ Quốc Phòng) cũng cho rằng vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu của Đề án CNSH 2030 là rất quan trọng. “Cần có chính sách gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ với sản xuất kinh doanh; hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống” – TS. Phạm Kiên Cường nhấn mạnh. 

TS. Phạm Kiên Cường đề xuất mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi cơ hội để đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi và nâng cao trình độ nghiên cứu, phát triển công nghệ trong mọi lĩnh vực. Song song với đó là chính sách thu hút đa dạng hoá các nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học thiết yếu; tập trung đầu tư cho một số hướng nghiên cứu trọng điểm để tạo ra các sản phẩm có thể ứng dụng.

Tạo được liên kết tốt giữa Doanh nghiệp – Cơ quan khoa học – Cơ quan quản lý, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm là quan điểm của TS. Nguyễn Viết Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản để Đề án CNSH 2030 triển khai hiệu quả. Riêng đối với lĩnh vực chế biến hải sản, TS. Nghĩa cho rằng, cần xây dựng các đề án phát triển các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng theo hướng gắn với phát triển theo chuỗi. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ những đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm để cải tiến quy trình công nghệ; hướng đến các sản phẩm hải sản chủ lực như tôm, cá tra, cá rô phi, rong tảo biển…  đồng thời tập trung phát triển một số dòng sản phẩm mới, đặc biệt là dòng sản phẩm nguyên liệu sẵn có, quan tâm đến mô hình sản xuất theo chuỗi.

Cũng đề cao tính liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất (doanh nghiệp), PGS. TS. Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm – Bộ Công Thương đề xuất xây dựng các trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ. “Thực ra đây không phải là ý tưởng hoàn toàn mới. Nhưng riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm thì vẫn chưa có một địa chỉ để người xây dựng chính sách, người tạo ra công nghệ và người sử dụng công nghệ gặp nhau. Vì vậy mong các nhà quản lý sớm đưa vấn đề này vào danh mục công việc ưu tiên, nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành”- PGS. TS. Vũ Nguyên Thành chia sẻ.

PGS.TS Vũ Nguyễn Thành khẳng định, để đảm bảo tính bền vững, cần cân nhắc các yếu tố liên quan tới xu hướng thị trường, các nguồn nông sản chủ lực, năng lực sản xuất…,cần xây dựng một danh mục công nghệ dựa trên nhu cầu và năng lực thực tế. Do đó, sự hợp tác giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp rất quan trọng. 


Nguồn: khcncongthuong.vn/ Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương” hoặc http://www.moit.gov.vn”