Quý 3/2023 ghi nhận NVT đã thực hiện xong chuyển nhượng 183.6 ngàn cp Du lịch Tân Phú, thu về hơn 18 tỷ đồng, qua đó chính thức thoái vốn khỏi công ty này sau 13 năm sở hữu.
Emeralda Resort Ninh Binh
Cơ duyên bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước
Cuối tháng 9, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT) hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 183.6 ngàn cp CTCP Du lịch Tân Phú, một khoản đầu tư dài hạn mà NVT đã phải trích lập toàn bộ từ năm 2017 đến nay. Theo đó, với việc thoái vốn Du lịch Tân Phú, NVT đã hoàn nhập hơn 18.36 tỷ đồng đầu tư dài hạn.
Du lịch Tân Phú thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu 150 tỷ đồng, hoạt động chính gồm kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ ăn uống. Khi đó, doanh nghiệp này đang phát triển dự án khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Ninh Bình Resort, sau đổi tên thành Emeralda Ninh Bình Resort.
Vào năm 2010, NVT góp 76.5 tỷ đồng để trở thành công ty mẹ sở hữu 51% vốn Du lịch Tân Phú. Đến năm 2012, NVT chuyển nhượng 38.76% vốn (tương ứng 581,400 cp) cho Công ty TNHH Bất động sản MSB với giá hơn 24.7 tỷ đồng.
Theo đó, NVT còn giữ lại 12.24% (tương đương 183,600 cp) và có “giá trị” được NVT hạch toán vào cuối năm 2012 là hơn 43 tỷ đồng. Tuy nhiên từ sau 2012, số cổ phần Du lịch Tân Phú lại được NVT ghi nhận với “giá gốc” là 18.36 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất 2012 củaNVTTừ năm 2017, NVT trích lập 100% cho khoản đầu tư vào Du lịch Tân Phú
Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất 2017 củaNVT
Núi nợ ngày càng phình to
Cách đây một thập kỷ là thời điểm khởi đầu cho các khoản vay mở rộng và lún sâu giữa NVT và Du lịch Tân Phú. Cuối năm 2012, hai công ty hợp tác với nhau trong một hợp đồng hợp tác kinh doanh 6 tháng.
Theo đó, NVT góp vốn hơn 41 tỷ đồng để hoàn thiện việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, còn Du lịch Tân Phú góp bằng quyền sử dụng khai thác, vận hành khu nghỉ dưỡng và hưởng lợi tức từ đó.
NVT thu lợi nhuận cố định 15%/năm mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của Du lịch Tân Phú. Ngoài ra, trong năm 2012, NVT cho Du lịch Tân Phú vay tín chấp dài hạn gần 25 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, đáo hạn vào năm 2015.
Đến năm 2013, tổng số tiền NVT cho Du lịch Tân Phú vay đã tăng lên hơn 186 tỷ đồng, lãi suất vay từ 15% – 19%/năm, bao gồm hơn 41 tỷ đồng hợp tác kinh doanh đã hết hạn, chưa tính 28 tỷ đồng lãi vay phải thu.
Năm 2014, NVT tiếp tục cho vay, tổng số tiền gốc tăng lên hơn 210 tỷ đồng, lãi vay phải thu gần 54 tỷ đồng.
Năm 2015, NVT bắt đầu trích lập dự phòng một phần cho khoản đầu tư tại Du lịch Tân Phú, đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư chuyển nhượng khoản vốn đầu tư tại dự án Emeralda Ninh Bình Resort nhằm cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính.
Đến năm 2017, dự án Emeralda Ninh Bình Resort không còn thuộc sở hữu của Du lịch Tân Phú sau khi NVT đã thông qua chủ trương chuyển nhượng nhằm đáp ứng tài chính thanh toán lô trái phiếu 230 tỷ đồng đến hạn.
Đồng thời, NVT chấp nhận tốn 60 tỷ đồng giá phí để chuyển nhượng toàn bộ nợ gốc và tiền lãi phải thu cho một đối tác khác. Trước đó, Du lịch Tân Phú nợ NVT tổng cộng gốc lãi là 306 tỷ đồng.
NVT ghi nhận lỗ 246 tỷ đồng từ thương vụ này trên báo cáo tài chính năm 2017, đồng thời trích lập dự phòng toàn bộ 18.36 tỷ đồng cho khoản đầu tư nắm 12.24% cổ phần Du lịch Tân Phú.
NVT “dứt tình” với Du lịch Tân Phú sau hơn thập kỷ
Tháng 09/2019, Du lịch Tân Phú nâng vốn điều lệ từ 150 tỷ lên 331 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm NVT nắm 51% (tương ứng 765,000 cp), Công ty TNHH Đông Sơn nắm 1.89%, ông Mai Việt Anh 2.27%, ông Đinh Xuân Hải 0.73%, bà Trần Thị Kiên Trung 7.92%, bà Nguyễn Vân Hương 6.85%.
Một năm sau vào tháng 09/2020, Du lịch Tân Phú trải qua lần tăng vốn thứ hai lên 401 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông thay đổi khi NVT chỉ còn nắm 4.58% (tương ứng 183,658 cp). Bên cạnh đó, các cổ đông sáng lập khác còn nắm vốn như Công ty TNHH Đông Sơn 0.71%, ông Mai Việt Anh 0.85%, ông Đinh Xuân Hải 0.27%, bà Trần Thị Kiên Trung 2.96%, bà Nguyễn Vân Hương 1.55%,
Vốn điều lệ của Du lịch Tân Phú được giữ nguyên cho đến nay. Mặc dù tỷ lệ sở hữu giảm nhưng giá gốc vẫn được NVT giữ nguyên 18.36 tỷ đồng. NVT cho biết, vào ngày 28/06/2023, Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 183,600 cp cho công ty khác với giá trị bằng giá gốc khoản đầu tư, tức 18.36 tỷ đồng. Tại BCTC quý 3, NVT chính thức thoái vốn Du lịch Tân Phú sau 13 năm.
Nguồn: BCTC quý 3/2023 củaNVT
Du lịch Tân Phú được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép đầu tư vào dự án khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Ninh Bình (sau này là Emeralda Ninh Bình Resort) từ năm 2008.
Dự án có diện tích 16.2 ha, quy mô gồm 51 biệt thự và 170 phòng ngủ. Dự án được khởi công từ năm 2008, tọa lạc tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tổng vốn đầu tư theo giấy chứng nhận khi đó là 255 tỷ đồng và thời gian hoạt động 46 năm kể từ đầu năm 2009.
Tháng 04/2013, khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động với toàn bộ các hạng mục dự án.
Dự án Emeralda Ninh Bình Resort từng thuộc vềNVT
Năm 2017, Công ty Mua bán Nợ Việt Nam (DATC) từng đấu giá bất thành khoản nợ không có tài sản đảm bảo, hơn 320 tỷ đồng của Du lịch Tân Phú do chỉ có một người tham gia nộp hồ sơ và đặt cọc.
Theo tìm hiểu của người viết, sau khi những cổ đông lớn dần rút lui, khu nghỉ dưỡng hoạt động với tên gọi mới Emeralda Ninh Bình Resort, do CTCP EMG quản lý và phát triển.
CTCP EMG thành lập vào năm 2011, trụ sở tại TPHCM, ngành nghề chính là tư vấn quản lý. Vốn điều lệ ban đầu 7 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm CTCP Khách sạn Tuyển tập Đông Dương nắm 50%, bà Lê Thùy Dương 42.86%, ông Tống Kim Nhật Thanh (giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) nắm 7.14%. Tháng 12/2016, Công ty do bà Lê Thị Thu Hà làm Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật, bà Hà cũng chính là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật Du lịch Tân Phú từ khi thành lập. Tháng 12/2018, chức vụ của bà Hà chuyển cho bà Lê Thùy Dương nắm giữ cho đến nay.