Một đại biểu quốc hội của Việt Nam hôm 9/11 phàn nàn về sự quan liêu, cứng nhắc của một số cơ quan nhà nước, đặc biệt trong thời gian có đại dịch, và đề nghị chính phủ cần phải “thông thoáng” và làm việc theo cách “có lợi nhất cho dân”.
Trong một phiên thảo luận của quốc hội về kinh tế-xã hội và công tác phòng chống dịch COVID-19, một nữ đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh nêu lên vụ sữa cứu trợ từ nước ngoài bị mắc kẹt như là một ví dụ về sự trì trệ của một bộ phận trong bộ máy nhà nước, theo tường thuật của báo chí Việt Nam.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu nói: “Một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ta ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch COVID ở Tp.HCM. Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng đã xin ý kiến Cục An toàn Thực phẩm, Cục Thú y, và Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý. Chỉ có Cục An toàn Thực phẩm nói ‘Đề nghị Tp.HCM hỏi chính phủ’”.
Bà Châu, cũng là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp.HCM, chỉ ra rằng cho dù thành phố của bà có gửi công văn đến chính phủ đi nữa, chính phủ vẫn sẽ giao cho Cục An toàn Thực phẩm trả lời. Như vậy, lẽ ra ngay từ đầu cục này có thể gửi đến chính phủ một văn bản nêu ra ý kiến của cục, đồng thời tham mưu cho chính phủ về nội dung câu trả lời dành cho thành phố, bà Châu nói.
Cách làm máy móc như hiện nay là “đúng quy trình” nhưng không phù hợp trong giai đoạn đất nước căng sức đối phó với đại dịch, nữ đại biểu quốc hội lưu ý.
Căn cứ theo quy trình như vậy, cuối năm Cục An toàn Thực phẩm cầm chắc vẫn sẽ được đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, bà Châu tiên liệu. Nhưng tiếp đến, bà chất vấn:
“Vậy thì làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Còn tại Tp.HCM, lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng không lấy ra được, lỗi do ai?”
Theo quan sát của VOA, vụ việc bà Châu nêu lên cũng được dư luận Việt Nam dành cho nhiều sự chú ý, bao gồm các bài bình luận của một số Facebooker có ảnh hưởng rộng rãi.
Nhà báo Hoàng Tư Giang, có hơn 26.000 người theo dõi trên Facebook, gọi tình trạng mà nữ đại biểu quốc hội đề cập đến là “virus trì trệ”.
Ông Giang cho rằng việc một cơ quan cấp cục đưa ra hướng dẫn có chấp nhận hay không một lô hàng của kiều bào tặng các trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch không hề là một việc to tát, vì vậy, sự việc xảy ra chỉ có thể gọi là “sự tắc trách, vô cảm, là con virus trì trệ”.
Nhà báo Đào Tuấn, với hơn 55.000 người theo dõi, viết rằng ông cười không ngậm được mồm về quy trình vòng vèo của Việt Nam. Ông Tuấn nhắc lại rằng trước vụ sữa cứu trợ của kiều bào Úc bị kẹt 1 tháng ở Tp.HCM trong năm nay, hồi năm 2017, đã từng có vụ hàng chục tấn đồ cứu trợ của chính phủ Nga tặng tỉnh Khánh Hòa bị bỏ trong kho tới hơn 4 tháng vì phải tuân theo “quy trình phân bổ”.
Phần đông trong số hàng trăm ý kiến bình luận vào bài đăng của những Facebooker có nhiều ảnh hưởng đều kêu than rằng bao nhiêu năm người dân kêu than về nạn quản lý chồng chéo, quan liêu, trì trệ, né tránh trách nhiệm… nhưng tình hình “vẫn vậy”.
Trong phiên họp của quốc hội hôm 9/11, sau khi nêu ra vụ sữa cứu trợ bị mắc kẹt, nữ đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị cần phải có “sự phân cấp mạnh” và “hướng dẫn rõ ràng” cho tình huống như vậy.
Trên bình diện sâu rộng hơn, bà Châu bày tỏ mong muốn rằng Việt Nam xây dựng được “chính phủ điện tử, chính phủ kiến tạo” với cơ chế hành chính “thật sự thông thoáng”. Trong đó, điều quan trọng là “quy được trách nhiệm của bộ ngành, của từng cán bộ” trong việc tham mưu kịp thời cho chính phủ về những việc cần thiết.
Nói thêm về cơ chế cần phải hướng tới, bà Châu mong rằng nó sẽ vận hành theo cách “có lợi tốt nhất cho người dân” và khi người dân hay các pháp nhân cần giải quyết các công việc, họ “không cần phải nhờ vả, quen biết, mà việc vẫn chạy”.
Nguồn: VOA