Kiện tụng là hết sức bình thường tại Mỹ
Ngày 17.11, trên mạng xã hội lan tràn một số thông tin nói có 2 công ty luật tư nhân ở Mỹ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd và Pomerantz đang thu thập thông tin từ khách hàng để mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán Mỹ của Công ty VinFast Auto. Hai công ty này còn kêu gọi cung cấp thông tin tập trung vào việc lãnh đạo cấp cao VinFast không thông báo những thông tin quan trọng hoặc có tuyên bố gây ra hiểu nhầm tới nhà đầu tư (NĐT).
Phối cảnh nhà máy của VinFast tại Mỹ
CTV
Đáng lưu ý, thông tin nói trên được phát qua cổng thông tin PR Newswire do 2 công ty luật tự phát hành. Trao đổi với Thanh Niên, bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách pháp chế Công ty VinFast, khẳng định: “VinFast luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới NĐT tại thị trường. Và hiện tại, VinFast vẫn đang hoạt động hoàn toàn bình thường tại Mỹ. Tuy nhiên, việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ nên chúng tôi luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ”.
Trong thực tế, việc 2 hãng luật nói trên kêu gọi tìm kiếm khách hàng cùng khởi kiện không đồng nghĩa với việc VinFast vi phạm pháp luật hoặc đã bị khởi kiện tại Mỹ. Một số chuyên gia am hiểu về luật tại Mỹ nhận định có thể đây là hình thức tìm kiếm khách hàng mà các công ty luật ở Mỹ hay một số quốc gia khác thường xuyên áp dụng. Phương thức phổ biến là nhắm vào các thương hiệu lớn hoặc công ty niêm yết, tìm ra một lý do để phát động khởi kiện tập thể và đăng tin tìm kiếm khách hàng qua đường quảng cáo. Trong quá khứ, các hãng xe điện Tesla, xe điện Lucid hay công ty phát triển phần mềm Amplitude của Mỹ, công ty dược phẩm sinh học Morphic, công ty chuyên phát triển, chế biến thực phẩm Hormel… cũng từng bị các công ty luật như trên kêu gọi khởi kiện theo cách tương tự.
Tiến sĩ – luật sư (LS) Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật Rajah & Tann LCT VN, cho biết các hoạt động quảng cáo như vậy bị nghiêm cấm ở VN nhưng khá phổ biến tại những thị trường thông luật như Úc, Anh, Mỹ… Tùy từng tiểu bang có các quy định khác nhau nhưng về cơ bản, các công ty luật được phép thu thập thông tin từ khách hàng, kêu gọi mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật của các doanh nghiệp (DN). Đối tượng được nhắm tới thường là những DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán bởi thông tin công khai, minh bạch. Họ sẽ dựa vào những thông tin đại chúng đó, thấy tiềm năng có thể có vấn đề thì sẽ giả định vi phạm luật pháp để tìm kiếm khách hàng là những NĐT đang có giao dịch thương mại với DN. Tuy nhiên, khi quảng cáo thông tin, các công ty luật ở Mỹ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp như nghiêm cấm hành vi đưa kết luận cho các giả định gây ảnh hưởng tới bên thứ 2, bên thứ 3; không tuyên bố mình là chuyên gia trong lĩnh vực đó để tránh gây ngộ nhận cho NĐT về khả năng của giả định…
Theo LS Quang, trường hợp của VinFast cũng tương tự. Đây chỉ là giả định của công ty luật nhằm mục đích khuyến cáo, tìm kiếm khách hàng – những NĐT mà họ giả định có thể là nạn nhân. Không có chuyện VinFast bị kiện tại Mỹ. Sau những thông tin như vậy, nếu không có NĐT có nhu cầu hoặc không xuất hiện tổn hại từ phía NĐT thì sự việc sẽ dừng lại. DN nếu cho rằng những thông tin giả định đó có tính chất bôi nhọ uy tín, gây ảnh hưởng tới thương hiệu và hoạt động của mình thì có thể khởi kiện ngược lại công ty luật để bảo vệ quyền lợi.
Không bình tĩnh là thiệt hại cho chính mình
Từ Mỹ, GS Hà Tôn Vinh khẳng định các công ty luật như 2 hãng nêu trên rất nhiều. Mỹ là quốc gia thượng tôn pháp luật nên mọi thứ đều được giải quyết qua tòa án, luật pháp. Thường khi có một cá nhân hay công ty cảm thấy bị thiệt thòi hay bị ép, bị lừa bởi tổ chức, cá nhân khác, họ tìm đến LS trình bày nhờ kiện. “Nên nhớ hệ thống pháp luật Mỹ trọng suy đoán vô tội và không ai có quyền buộc tội ai, kết luận tội thay ai khi tòa chưa tuyên án”, GS Hà Tôn Vinh nói và nhấn mạnh phải tách bạch rõ ràng là VinFast chưa bị kiện, công ty luật đang thu thập tài liệu. Nếu khởi kiện, tòa thụ lý hay không là chuyện khác. “Các NĐT ở VN khi nghe tin không hay về DN, chưa cần biết đúng sai vẫn bán tháo. Tuy nhiên, ở Mỹ chuyện kiện là bình thường nên hành vi bán tháo không dễ dàng xảy ra ngay. Bởi vội vã thì thiệt hại chính mình gánh. NĐT mới tiếp cận thông tin sơ khai, nên tìm hiểu kỹ để tránh gây thiệt hại cho tài sản của mình”, GS Hà Tôn Vinh khuyến cáo.
Đang sinh sống ở Mỹ, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp đồng thời là Giám đốc Chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính và kế toán, Đại học Bristol (Anh), viết trên trang cá nhân: “Chuyện kêu gọi kiện tụng ở Mỹ là rất bình thường và việc các công ty luật này làm mới chỉ là bước đi tìm bằng chứng và đang quảng cáo tìm kiếm khách hàng. Cũng vì vậy, niêm yết ở Mỹ sẽ giám sát tốt hơn cho cổ đông”.
Trước đó, hồi tháng 10, đi cùng với những phiên lao dốc của VN-Index đã xuất hiện một số thông tin đồn thổi về các DN đang niêm yết như câu chuyện “Vingroup phải bán cổ phiếu” hay cổ đông ngoại đến từ Hàn Quốc của Masan “thoái hết vốn”… Tin đồn vô căn cứ nhưng vẫn khiến NĐT cá nhân lo ngại, đua nhau bán cổ phiếu dù kết quả kinh doanh quý 3 của chính các đơn vị nói trên đều cao hơn trước đó.