Các nhà báo độc lập của nhóm Báo Sạch, hiện đang bị giam giữ để điều tra trước cáo buộc “bôi nhọ, xúc phạm các lãnh đạo Đảng”, có thể đối mặt với một cáo buộc nữa nghiêm trọng hơn, là ‘làm lộ bí mật nhà nước’, theo truyền thông trong nước đưa tin hôm 16/6.
Bốn thành viên của nhóm Báo Sạch, từng gây tiếng vang ở Việt Nam vì các bài viết chống tham nhũng, hồi tháng 5 bị cơ quan An ninh điều tra TP Cần Thơ đề nghị truy tố về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Hôm 16/6, VKSND của thành phố này đề nghị Công an TP Cần Thơ điều tra bổ sung thêm sau khi công an cho biết “hành vi của các bị can có dấu hiệu phạm tội ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo Điều 337 BLHS, theo truyền thông trong nước.
Trang Báo Sạch, được lập trên mạng xã hội Facebook và từng có 100.000 người theo dõi, đã bị đóng lại ngay sau khi nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt hồi tháng 12/2020. Hơn 4 tháng sau đó, 3 thành viên còn lại – gồm Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo – cũng bị công an Cần Thơ bắt giữ và khởi tố cùng với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Dẫn nguồn tin của Công an Cần Thơ, báo Công an Nhân dân cho biết cơ quan điều tra đã thu thập 31 bài viết liên quan đến TP Cần thơ và 29 video đăng công khai trên Facebook. Theo cơ quan điều tra, nhà báo Hữu Danh “thừa nhận các bài viết phản ánh là sai sự thật.”
Còn theo VietNamNet, cơ quan điều tra thu giữ tại nhà, hộp thư điện tử… của các bị can 9 văn bản liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Vụ án Hồ Duy Hải gây tranh cãi trong công chúng ở Việt Nam khi nhiều người cho rằng tử tù này bị kết án trong một quy trình thiếu minh bạch. Vụ việc trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng gây tranh cãi trong công luận khi chính quyền cách chức hiệu trưởng và bắt giữ một giảng viên của trường sau khi giảng viên này tố cáo một bí thư tỉnh đạo văn để làm luận án tiến sỹ.
Cơ quan điều tra cho rằng các văn bản mà họ phát hiện và thu giữ tại nhà và từ hộp thư điện tử cũng như nhóm chat của các thành viên nhóm Báo Sạch có “đóng dấu mật” và “tối mật” trong khi các tài liệu khác không đóng dấu mật nhưng có nội dung ghi là “mật.” Theo Công an Nhân dân, Cơ quan điều tra nhận định rằng “các bị can có dấu hiệu của hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước.”
Vụ bắt giữ nhóm Báo Sạch bị các tổ chức quốc tế, trong đó có Uỷ ban Bảo vệ Ký giả và tổ chức Phóng viên Không Biên giới, lên án. Chính phủ Mỹ hồi tháng 4 cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với vụ bắt giữ các nhà báo này và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho những người bị giam giữ bất công ở quốc gia Đông Nam Á.
Nguồn tin tức: VOA Tiếng Việt