Đồng Nai: Giữa lúc livestream, đôi vợ chồng bị bắt vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’ – VOA

Đồng Nai: Giữa lúc livestream, đôi vợ chồng bị bắt vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’
– VOA
Share

Một đôi vợ chồng ở tỉnh Đồng Nai vừa bị công an bắt giam được cho là có liên quan đến các phát biểu trên mạng xã hội. Theo đó, người vợ đã bị chính quyền bắt tạm giam với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, trong khi người chồng vẫn biệt tăm sau một tuần bị áp giải.

Ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng bị chính quyền huyện Tân Phú bắt giam sau khi một nhóm người mặc thường phục có vũ trang gồm cả “thợ điện” đã “bẻ khóa cổng” và “xông vào nhà”, tiến hành khám xét nơi ở vào tối ngày 5/1, nhưng đến ngày 7/1 người vợ mới có thông báo bị bắt tạm giam theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015, theo tin từ gia đình.

Bà Vũ Giáng Tiên, chị của bà Vũ Thị Kim Hoàng, thuật lại vụ việc với VOA:

“Mọi người đang ở trong nhà thì có hai người thợ điện, hai người áo trắng, tất cả bốn người, bẻ khóa cổng và ập vô”.

“Người ta kêu hai đứa con lên để thẩm vấn riêng, những người còn lại thì ập vô buồng, đập vỡ cửa, lụt soát rồi bắt người đi”.

Một đoạn video clip loan truyền trên mạng xã hội cho thấy ông Nguyễn Thái Hưng đang thực hiện livestream, bàn luận vào tối ngày 5/1 về việc công an phạt người đi xe không “chính chủ”, thì ông nghe tiếng cửa kiếng bị đập bể, ông rời khởi màn hình và đi xem việc gì đang xảy ra. Kế tiếp là hình ảnh người “thợ điện” thoáng xuất hiện trên video và hô “Đứng im!”, và sau cùng là tiếng la, tiếng thét, và màn hình bị tắt đi.

Bà Tiên không rõ liệu ông Thái Hưng bị bắt có đúng vào lúc ông đang thực hiện livestream này hay không.

Kênh YouTube Nói bằng thực TV của ông Thái Hưng, được lập từ đầu năm 2020, thu hút gần 40 ngàn người đăng ký theo dõi. Kênh này chuyên bình luận các vấn đề về “tình hình đất nước ngày nay”.

Sau khi ông Thái Hưng bị bắt, các video trên kênh này đã bị xóa.

Bà Giáng Tiên cho biết rằng mẹ của bà, người ở bên cạnh nhà của ông Thái Hưng và bà Kim Hoàng, chứng kiến đôi vợ chồng đi áp giải đi vào khoảng 10 giờ tối và được nhóm người này giải thích rằng lý do đưa đi là “mời về để điều tra vì liên can chứa chấp tội phạm”.

Thông báo bắt tạm giam bà Vũ Thị Kim Hoàng, 7/1/2022. Facebook Tintin

Thông báo bắt tạm giam bà Vũ Thị Kim Hoàng, 7/1/2022. Facebook Tintin

“Đến sáng ngày 7/1, [gia đình] xuống thì được hay là chuyển sang trại tạm giam Long Thành. Chờ đến trưa thì lấy được tờ giấy thông báo rằng Kim Hoàng vi phạm Điều 331”, bà Giáng Tiên cho biết thêm.

VOA đã liên lạc chính quyền huyện Tân Phú và chính quyền tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu về việc bắt tạm giam này, nhưng chưa được phản hồi.

“Gia đình thấy không có tình tiết nào để nói lên việc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’. Tôi không biết và cũng không thấy có tình tiết nào cho thấy điều này,” bà Giáng Tiên nhận định.

Bà Giáng Tiên cho biết gia đình chưa nhận giấy thông báo việc bắt giam ông Thái Hưng.

Việc bắt ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ các nhà hoạt động và phản biện trên mạng xã hội bị bắt tại Việt Nam.

Vào đầu năm 2022, một bản kiến nghị gửi đến giới lãnh đạo Việt Nam kêu gọi hủy bỏ Điều 331, cùng với các Điều 109, 117 của Bộ Luật Hình sự 2015, mà giới tranh đấu cho là “những quy định mơ hồ” đã mở đường cho các cơ quan chấp pháp “vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”.

Trong kiến nghị, các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự cho biết rằng trong thời gian qua, chỉ riêng theo Điều 331 đã có 23 người bị bắt, trong đó 11 người đã bị tuyên phạt hơn 50 năm tù giam.

Chính quyền Việt Nam thường xuyên nói rằng những người này bị bắt và xét xử vì “vi phạm phát luật”, và rằng chính quyền luôn đảm bảo các quyền căn bản của người dân theo luật pháp và công ước quốc tế.

——————————————–

Nguồn: VOA